Thứ tư, 04/12/2024
19.4 C
Lạng Sơn

Tham dự Hội thảo Khoa học quốc gia của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội “Xây dựng nền giáo dục thực chất – Định hướng và giải pháp”

Nhận lời mời của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2021, Trường CĐSP Lạng Sơn đã tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng nền giáo dục thực chất-Định hướng và giải pháp” với hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Trường CĐSP Lạng Sơn có TS. Phùng Quý Sơn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; ThS. Vi Hồng Thắm-Phó Hiệu trưởng nhà trường và khoảng 40 giảng viên tham dự.

Mục tiêu tham dự của hội thảo của Trường CĐSP Lạng Sơn là được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bàn thảo về những kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục; những định hướng, nhiệm vụ cụ thể để tiến tới một nền giáo dục thực chất, “học thật, thi thật, nhân tài thật”, đào tạo những con người thực chất, có đầy đủ năng lực, phẩm chất của công dân toàn cầu. Đó chính là “chìa khóa” mở ra con đường đưa đất nước phát triển, hội nhập.

Hội thảo diễn ra với Phiên toàn thể và các tiểu ban, trong đó Tiểu ban 1: Quan điểm về nền giáo dục thực chất của Việt Nam và thế giới; Tiểu ban 2: Dạy thật, Học thật-Bài học từ thực tiễn; Tiểu ban 3: Định hướng và giải pháp phát triển nền giáo dục thực chất.

Trường CĐSP Lạng Sơn tham dự Phiên toàn thể với 03 tham luận: (1) Học thật nhân tố quyết định để có “Thi thật/ Tài năng thật” do PGS.TS. Đặng Quốc Bảo-Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục Việt Nam trình bày; (2) Một số kinh nghiệm cụ thể trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của các trường đại học Việt Nam ngang tầm chương trình Bologne của Liên minh Châu Âu do GS.TSKH. Cao Long Vân-Trường Đại học Tổng hợp Zielona-Goro, Ba lan trình bày; (3) Chất lượng thật-Giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội do TS. Đỗ Hồng Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường trình bày. Sau phiên toàn thể, giảng viên nhà trường tham dự Tiểu ban 3.

Qua hội thảo, các cử tọa có điều kiện hiểu rõ quan điểm về nền giáo dục thực chất được các tác giả khái quát về lịch sử hình thành nền giáo dục Việt Nam qua các thời đại, truyền thống hiếu học; thành tựu và những rào cản trong quan niệm “khoa cử”, “vinh thân phì gia” của người xưa. Trong đó, học thật là hạt nhân của giáo dục. Các tác giả cũng chỉ ra các yếu tố tác động đến “học thật” như: chính sách giáo dục, quản lý giáo dục, môi trường giáo dục; đặc biệt là việc phát triển chương trình giáo dục, khoa học và công nghệ. Trong đó, các yếu tố không thể thiếu là người thầy và người học. Các yếu tố về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa nhà trường cũng tác động không nhỏ đến “học thật”. Với các minh chứng của các nền giáo dục tiên tiến đã tham góp cho hội thảo bức tranh chung về “học thật” và là bài học quý báu cho Việt Nam. Đồng thời phân tích, đánh giá thực tiễn giáo dục hiện nay, những định hướng, các giải pháp thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Hội thảo Khoa học quốc gia của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã giúp cho các nhà quản lý, giảng viên Trường CĐSP Lạng Sơn hiểu rõ hơn về xây dựng nền giáo dục thực chất tại nhà trường trước bối cảnh đổi mới giáo dục; định hướng phương thức quản lý giáo dục và tổ chức đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu của thị trường lao động./.