Chủ Nhật, 22/12/2024
21.4 C
Lạng Sơn

Thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

1. Giới thiệu chung về thư viện Trường CĐSP Lạng Sơn
Thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của nhà trường, do Phòng Quản lý đào tạo và Hợp tác quốc tế quản lý trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của phòng. Thư viện hiện nay là kho học liệu phong phú, đa dạng đã và đang có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Thư viện được xây dựng nằm ở một góc khang trang, yên tĩnh trong khuôn viên trường; vừa phù hợp với việc học tập, nghiên cứu tại chỗ, vừa phù hợp cho việc mượn tài liệu học tập và nghiên cứu của cán bộ, giáo viên và sinh viên trong nhà trường.
Với tổng diện tích khoảng 1526m2, thư viện nhà trường được bố trí thành các phần chức năng rộng rãi, thoáng mát và tiện ích. Thư viện có kho sách, nơi làm việc của nhân viên thư viện, có khu đọc sách dành riêng cho giáo viên và học sinh. Phòng đọc có diện tích khoảng 315m2 và hai phòng mượn với tổng diện tích 100m2, có không gian đọc thân thiện, được trang bị thiết bị tiện nghi và tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Trong thư viện được trang bị 131 giá sách, 02 tủ mục lục, 30 bàn đọc sách; đặc biệt còn có 12 máy vi tính nối mạng Internet phục vụ việc tra cứu, học tập của cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên.
Kho sách của thư viện có số lượng 86.683 cuốn sách đáp ứng nhu cầu đọc tại chỗ và mượn tài liệu của các khối HSSV nhà trường và các loại sách báo tham khảo phục vụ giải trí sau giờ học. Hàng năm, thư viện được bổ sung trang bị tài liệu đảm bảo phục vụ cho học sinh, giáo viên như: sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo, báo, tạp chí giáo dục, tài liệu nghe, nhìn, sách điện tử, các dạng tài liệu khác phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu học tập của học sinh sinh viên và yêu cầu tham khảo của giáo viên…. Tất cả các loại tài liệu trong Thư viện đều được dán nhãn, đóng dấu, đăng ký, phân loại, sắp xếp trên giá gọn gàng; có sổ mượn trả sách riêng cho từng lớp và từng đơn vị.


Phòng đọc sách

2. Thư viện điện tử
Từ cuối năm 2019, nhà trường trang bị phần mềm thư viện điện tử nhằm giúp số hóa trong công tác quản lý thư viện, đồng thời cũng là cơ sở hiện đại phục vụ cho hoạt động tìm kiếm tài liệu của người đọc. Ngoài ra thư viện còn có hệ thống cổng từ để kiểm tra khi bạn đọc ra khỏi thư viện, nhằm tránh tình trạng mất sách.
Từ năm 2020 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, thư viện đã triển khai kế hoạch tin học hoá hoạt động thư viện. Hiện nay, trên phần mềm quản lý Thư viện kho phòng Mượn đã đăng nhập được 53.426 cuốn/1333 tên sách, kho phòng Đọc đăng nhập được 507 cuốn/507 tên sách Văn hóa dân gian. Cụ thể các sách thuộc thể loại và môn học như: Âm nhạc, Công nghệ, Công tác đội, Địa lí, Giáo dục công dân, Tài liệu tư tưởng HCM, chính trị, Hóa học, Lịch sử, Mĩ thuật, Mầm non, Pháp luật, Quốc phòng & An ninh, Sinh học, Tâm lí, Từ điển, Thể dục, Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc, Tiểu học, Tin học, Toán, Vật lí, Văn học – Tiếng việt, Văn hóa dân gian, sách giáo khoa Tiểu học và THCS, Tài liệu khác…


Hoạt động mượn/ trả sách tại thư viện

3. Thực trạng việc khai thác, sử dụng thư viện trường và đề xuất
Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của học sinh sinh viên. Qua đó, từng bước hình thành thói quen, kỹ năng, làm lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh.
Trong năm học, thư viện được mở cửa liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, sáng từ 07 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30 để phục vụ bạn đọc.

Sinh viên tích cực học tập tại thư viện

Trong ba tháng đầu năm học 2021 – 2022, CB,GV và HSSV của nhà trường đã tích cực khai thác các chức năng của thư viện phục vụ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Thống kê cụ thể tình hình đọc và mượn sách của cán bộ giáo viên, học sinh sinh viên trong 3 tháng đầu năm học 2021- 2022:

Bảng 1. Thống kê số lượt bạn đọc và lượt sách luân chuyển 3 tháng đầu
năm học 2021-2022


Biểu đồ 1. Lượt bạn đọc


Biểu đồ 2. Lượt sách luân chuyển

Với quy mô khoảng 1000 học sinh sinh viên các hệ cao đẳng và trung cấp ở 11 mã ngành nghề đang đào tạo của nhà trường, việc khai thác và lượt mượn/trả sách của thư viện trong ba tháng đầu năm học như trên còn hạn chế. Nguyên nhân thứ nhất có lẽ do số lượng tài liệu tham khảo và giáo trình còn hạn chế; đặc biệt, nguồn sách chủ yếu là sách cũ dành cho hệ sư phạm, trong khi các ngành, nghề đang đào tạo tại nhà trường hiện nay chủ yếu là các ngành thuộc khối giáo dục nghề nghiệp thì nguồn sách chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến tinh thần, thói quen đọc sách và phong trào học tập tại thư viện chưa được mạnh mẽ ở các khối học sinh sinh viên.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả khai thác thư viện trường, cần thực hiện một số biện pháp như sau:
Một là, đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện; tăng cường thời gian đọc, số lượng sách đọc cho học sinh; nâng cao trình độ của cán bộ, nhân viên thư viện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc.
Hai là, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kĩ năng và phong trào đọc trong học sinh. Cải thiện môi trường đọc; giúp các em trở thành người đọc độc lập, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người;
Ba là, xây dựng hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; đồng thời khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn.
Trong lịch sử văn minh nhân loại, việc đọc sách luôn đồng hành cùng với sự phát triển của nền giáo dục và xã hội. Ngày nay, người học đã có thêm nhiều nguồn để thu nhận thông tin nhưng vai trò của thư viện vẫn không hề giảm bớt. Để thư viện nhà trường có thể thực hiện được chức năng và sứ mệnh của nó, cần thiết tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo nhà trường, sự vào cuộc của lãnh đạo các đơn vị, đoàn hội trong nhà trường trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên về hoạt động thư viện và ý nghĩa của nó; bổ sung nguồn sách, học liệu truyền thống và điện tử; tổ chức các hoạt động, phong trào đọc sách, học tập tại thư viện trường…. Từ đó, có thể lan tỏa thói quen đọc sách, học tập và khai thác thông tin từ thư viện và góp phần xây dựng môi trường văn hóa học thuật lành mạnh trong nhà trường./.