Thực hiện công văn số 100/CĐSP ngày 11/3/2022 của Trường CĐSP Lạng Sơn về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022, Kế hoạch công tác học kỳ II năm học 2021-2022, ngày 28/3/2022 Tổ bộ môn Lý luận chính trị thuộc Khoa Các bộ môn chung tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 3 năm 2022 với nội dung chính là tìm hiểu cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật. Hà Nội 2022). Tác phẩm được chọn từ 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của tác giả. Cuốn sách thể hiện tầm cao lý luận; chắt lọc, tổng kết thực tiễn, lấy đời sống thực tiễn để chứng minh, thuyết phục người đọc.
Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có đông đủ các giảng viên của tổ bộ môn. Đồng chí Hoàng Thu Phương – Tổ trưởng chuyên môn đã quán triệt mục đích, yêu cầu nội dung sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu cuốn sách nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách của cá nhân giảng viên, trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các giảng viên được phân công nghiên cứu các nội dung trong cuốn sách, hiểu được giá trị về mặt lý luận và thực tiễn của tác phẩm. Các tham luận được đưa ra trao đổi trong buổi sinh hoạt tập trung vào 5 nội dung chính sau:
Nội dung 1: Từng bước hiện thực hóa con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập một số khía cạnh từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam và tập trung vào trả lời những câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Theo Tổng Bí thư, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội.
Tổng Bí thư nêu rõ, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nội dung 2: Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân
Cuốn sách trích dẫn toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo định hướng hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Trong đó nêu rõ, Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào ngày 11/8/2021 được in trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách dẫn lại bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 16/8/2021. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!”.
Nội dung 3: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất
Cuốn sách dẫn lại bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức ngày 15/9/2021.
Tổng Bí thư cho rằng, một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước.
Cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính hơn ai hết, phải rất cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống; phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh chính trực; và đặc biệt, bản thân phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan “phụng công thủ pháp”, chí công vô tư; phải là những “Bao Công” trong thời đại mới.
Nội dung 4: Trường phái đối ngoại “cây tre Việt Nam”
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12/2021 được in trong sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Nội dung 5: Văn hóa còn thì dân tộc còn
Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến phát triển văn hóa, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, sức mạnh nội sinh và là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Đảng về thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, trong đó phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Các bài tham luận, các ý kiến phát biểu đã chỉ rõ cuốn sách của Tổng Bí thư thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn; về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới. Qua đó giúp giảng viên hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác giảng dạy các môn học lý luận chính trị, pháp luật và nghiên cứu khoa học tại trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Sinh hoạt chuyên đề là một trong các hoạt động của Tổ bộ môn Lý luận chính trị được tổ chức định kỳ hằng tháng. Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Hoàng Thu Phương đã đề nghị giảng viên nghiên cứu và vận dụng trong quá trình giảng dạy, thường xuyên, kịp thời cập nhật kiến thức, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng chuyên môn giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.
Ảnh: Toàn cảnh buổi Sinh hoạt chuyên đề tháng 3/2022
của Tổ bộ môn Lý luận chính trị thuộc Khoa Các bộ môn chung