Thứ hai, 23/12/2024
11.6 C
Lạng Sơn

Sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về bài thi TOEIC”

Thực hiện kế hoạch năm học, nhằm tạo điều kiện cho giảng viên trong tổ và sinh viên chuyên Tiếng Anh (lớp K3CĐTA và K4CĐTA) trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như phát triển năng lực tiếng Anh qua việc tham gia bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh quốc tế, tổ Tiếng Anh, Khoa Ngoại Ngữ đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về bài thi TOEIC” vào ngày 31/3/2023.
TOEIC, viết tắt của Test of English for International Communication-Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế, là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về giao tiếp dành cho người đi làm không phải là người sử dụng tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ, đặc biệt là những đối tượng muốn sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế. Kết quả của bài thi TOEIC phản ánh mức độ thành thạo khi giao tiếp bằng tiếng Anh trong các hoạt động như kinh doanh, thương mại, du lịch.
Nội dung sinh hoạt gồm ba phần:
Phần thứ nhất: Bạn biết gì về bài thi TOEIC. Giảng viên và sinh viên chia sẻ các hiểu biết của mình về bài thi TOEIC thông qua trò chơi nhóm. Trong phần này các nhóm sẽ thảo luận các câu hỏi xoay quanh các phần thi trong TOEIC và chọn câu trả lời phù hợp. Các nhóm rất hứng khởi trong phần thi này và cuối cùng nhóm 2 và 6 đã trở thành nhóm chiến thắng với 11/15 câu trả lời đúng;
Phần thứ hai, Giới thiệu về TOEIC: ThS. Hoàng Minh Thúy-Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh đã giới thiệu tất cả các thông tin về TOEIC. Chương trình thi TOEIC được xây dựng và phát triển bởi Viện Khảo thí Giáo dục (ETS-Educational Testing Service), Hoa Kỳ theo đề nghị từ Liên đoàn Tổ chức Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) kết hợp với Bộ Công thương Quốc tế Nhật Bản-MITI (nay là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản-METI) vào năm 1979. Ban đầu, TOEIC chỉ phổ biến ở Nhật Bản và sau đó ở một số nước châu Á. Cho đến hiện nay, TOEIC đã được tổ chức và ghi nhận kết quả ở trên 160 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, TOEIC bắt đầu được tổ chức thi từ năm 2001 thông qua đại diện là IIG Việt Nam. Hơn 130 trường đại học ở Việt Nam sử dụng kết quả của bài thi TOEIC làm yêu cầu tốt nghiệp cho sinh viên; bên cạnh đó chứng chỉ TOEIC cũng được xem như một tiêu chí ngoại ngữ để đưa ra quyết định về tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự hay bố trí nhân viên tu nghiệp tại nước ngoài. Trong phần này, các sinh viên cũng được giới thiệu cụ về thời gian, dạng bài, cách tính điểm của từng phần thi trong TOEIC và các địa điểm, kinh phí thi tại các thành phố ở miền bắc.
Phần thứ ba: Thực hành với vài thi TOEIC. Sinh viên được thử nghiệm làm một số phần trong bài thi Nghe hiểu và Đọc hiểu. Ở phần thi Nghe hiểu, sinh viên được nghe trực tiếp và chọn đáp án đúng. Ở phần Đọc hiểu, các em được thực hiện bài thi thông qua phần mềm Quizizz. Qua phần thực hành này, sinh viên đã hiểu kỹ hơn về các phần trong bài thi TOEIC và bước đầu đánh giá được mức độ kỹ năng của bản thân.
Ở phần cuối buổi sinh hoạt, giảng viên và sinh viên cùng chia sẽ mức độ cần thiết của bài thi TOEIC với sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn nói chung và sinh viên chuyên ngành tiếng Anh nói riêng. Sinh viên cũng chia sẻ việc tiếp tục tìm hiểu thêm về TOEIC và luyện tập để có thể tự tin đăng ký dự thi trong thời gian tới chuẩn bị cho các cơ hội nghề nghiệp của bản thân trong tương lai./.

Một số hình ảnh buổi Sinh hoạt chuyên đề


Sinh viên tham gia thi theo đội để tìm hiểu về bài thi TOEIC


ThS. Hoàng Minh Thúy giới thiệu bài thi TOEIC


Sinh viên tham gia phần Nghe hiểu trong bài thi TOEIC


Sinh viên tham gia thi Đọc hiểu qua Quizizz