Thứ tư, 22/01/2025
16.6 C
Lạng Sơn

Công đoàn cơ sở trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong nhà trường

Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và trong mỗi cơ quan sự nghiệp.
Mục đích thực hiện dân chủ là xây dựng sự đoàn kết nội bộ theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nếu tập trung cao mà dân chủ bị hạn chế, tức là tập trung không trên nền tảng dân chủ, thì đó là tập trung quan liêu, độc đoán. Nếu dân chủ không dưới sự lãnh đạo tập trung, thì đó là dân chủ vô tổ chức, vô kỷ luật. Vì vậy, tập trung luôn phải đi đôi với dân chủ, tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Điều này vừa có ý nghĩa đòi hỏi lãnh đạo tập thể phải đi liền với trách nhiệm cá nhân; đồng thời, chống được sự chuyên quyền, độc đoán, chống dân chủ hình thức và chống cả tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý nói riêng.
Thực hiện dân chủ trong nhà trường chính là việc thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất những điều trong Luật giáo dục theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của tập thể CBGV, nhân viên, học sinh sinh viên trong nhà trường theo luật định, góp phần xây dựng kỉ cương, nền nếp, trật tự trong mọi hoạt động của nhà trường, đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc xây dựng khối đoàn kết nội bộ. Thực hiện dân chủ là chìa khóa vạn năng giải quyết mọi khó khăn giúp tập thể phát triển.
1. Công đoàn cơ sở luôn kịp thời triển khai các quy định, văn bản, chế độ chính sách đến các công đoàn viên
Các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện quy chế chủ của ngành, của địa phương được triển khai đầy đủ, kịp thời… Một số các văn bản như: Nghị định 71/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Quyết định 04/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 1/3/2000 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT v/v ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động nhà trường; Thông 09/TT-BGD&ĐT ngày 7/5/2009 của Bộ GD&ĐT v/v ban hành quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục; Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ ngày 20/11/2013 của Tổng liên đoàn V/v Hướng dẫn công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; Thông tư số 01/2016/TT-BNV, ngày 13/01/2016 của Bộ nội vụ V/v Hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 04/2015/NĐ-CP về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc triển khai kịp thời các văn bản sẽ giúp cho các công đoàn viên nhà trường nắm bắt các chủ trương, chính sách, quy chế, giúp các công đoàn viên nâng cao nhận thức pháp luật cho công đoàn viên từ đó thực hiện tốt các nội quy, quy chế, quy định ở đơn vị, đồng thời tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ cá nhân mình, hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực, từng bước xây dựng được đội ngũ công đoàn viên đoàn kết, không ngừng phấn đấu, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.
2. Phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn
Thứ nhất, vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo hoạt động của các tổ chức đoàn thể được thể hiện cụ thể :
– Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong đơn vị.
– Trong sinh hoạt hàng tháng của các chi bộ, đều có đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức đoàn thể và định hướng cho hoạt động trong tháng tiếp theo với phương châm cấp ủy lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể, tức là tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung.
– Trong các buổi giao ban đơn vị, công đoàn viên, giảng viên luôn được tạo điều kiện trình bày, thảo luận các nhiệm vụ của đơn vị và cá nhân được giao; Theo chỉ đạo của cấp ủy, tổ trưởng công đoàn luôn đại diện cho tinh thần tập thể có những nội dung, ý kiến đóng góp cho việc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Thứ hai, Ban Giám hiệu nhà trường chủ động lên kế hoạch xây dựng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên vào đầu mỗi năm học và phổ biến đến toàn thể cán bộ viên chức để giúp các công đoàn viên liên hệ trong công việc.
– Ban Giám hiệu nhà trường luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong quản lý và điều hành công tác, nhất là đồng chí Hiệu trưởng có trách nhiệm: Quản lí, điều hành mọi hoạt động của nhà trường, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về toàn bộ hoạt động của nhà trường.
– Tập thể Ban Giám hiệu nói riêng, đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thông qua họp giao ban tuần, tháng, sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động đoàn thể, trao đổi trực tiếp của cá nhân … và có biện pháp giải quyết đúng theo chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước, theo nội quy, quy chế, điều lệ của nhà trưởng và phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm.
– Thực hiện nghiêm túc tập trung dân chủ trong quản lí nhà trường, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các cá nhân trong nhà trường; Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hoạt động của cấp dưới trong việc thực hiện dân chủ và giải quyết kịp thời những kiến nghị của cấp dưới theo thẩm quyền được giao.
Thứ ba, hằng năm, BGH và BCH công đoàn xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động và điều hành các hoạt động nhà trường.
– Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu tạo điều kiện thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Giáo dục.
– Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Kế hoạch hoạt động năm học của nhà trường, của đơn vị; Các biện pháp tổ chức phong trào thi đua, các báo cáo tổng kết, sơ kết; Những nội quy, quy định, quy chế làm việc của nhà trường, quy chế chi tiêu nội bộ…
– Kiên quyết chống những hiện tượng bè phái, mất đoàn kết và những hoạt động khác vi phạm dân chủ, kỉ cương trong nhà trường. Trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, CBGV, nhân viên phải phục tùng sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên.
– Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của CBGV, nhân viên, tôn trọng đồng nghiệp và học sinh sinh viên, có trách nhiệm bảo vệ uy tín của nhà trường.
Thứ tư, thực hiện quy chế dân chủ công khai chế độ chính sách và chi tiêu
Phối hợp cùng nhà trường phổ biến những chủ trương chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với CBGV, nhân viên; Các khoản đóng góp của công đoàn, kinh phí hoạt động của nhà trường; Việc nâng lương, thuyên chuyển, điều động, đề bạt, khen thưởng, kỉ luật; Nhận xét, đánh giá cán bộ giáo viên nhân viên hàng năm trên cơ sở công khai – công bằng và đúng quy định. (Công khai qua các hình thức như: Niêm yết tại cơ quan, Thông báo trong Hội nghị cán bộ viên chức; qua giao ban đơn vị, Thông báo cho ban chấp hành công đoàn hoặc tổ trưởng các tổ công đoàn để thông tin đến CBGV, nhân viên trong nhà trường, đơn vị…)
– Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đoàn thể, dân chủ bàn bạc các chủ trương, các biện pháp thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường, đơn vị khoa, tổ, phòng chuyên môn.
– Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ, có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của quần chúng, phát hiện những vi phạm quy chế dân chủ trong nhà trường, những kiến nghị hoặc thắc mắc để đề nghị Hiệu trưởng giải quyết.
Thứ năm, đảm bảo quyền dân chủ của học sinh sinh viên trong nhà trường.
– Phổ biến kịp thời chủ trương, chế độ chính sách của nhà nước, của ngành giáo dục, và những quy định của nhà trường đối với học sinh sinh viên; Kế hoạch tuyển sinh, các khoản đóng góp theo quy định.
– Học sinh sinh viên được tham gia ý kiến xây dựng Nội quy, Quy định và những quy định có liên quan đến HSSV.
– Để đảm bảo quyền dân chủ của HSSV, nhà trường đã niêm yết công khai Nội quy học tập, KTX, Tiêu chuẩn xếp loại kết quả học tập rèn luyện… Vào năm học nhà trường thường tổ chức họp lớp trưởng để thông báo kế hoạch nhiệm vụ năm học, trách nhiệm của HSSV, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, thông báo kết quả học tập, tu dưỡng của HSSV. Giáo viên chủ nhiệm lớp là đại diện của nhà trường tổ chức các hoạt động thưc hiện dân chủ tại lớp của mình, thường xuyên tiếp thu và tổng hợp ý kiến của HSSV để kịp thời phản ánh với Hiệu trưởng.
3. Kết luận chung
Công đoàn cơ sở tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ, đây là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm góp phần đưa quy chế dân chủ của đơn vị đi vào thực tế cuộc sống.
Lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe ý kiến góp ý của quần chúng và tập thể, luôn tôn trọng ý kiến tập thể, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy ý kiến đa số để quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường và kịp thời điều chỉnh những tồn tại, khuyết điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo đạt hiệu quả công việc cao hơn.
Tổ chức tốt các hội nghị dân chủ trong trường như: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức Hội nghị đối thoại, Hội nghị liên tịch. Thông thường, hội nghị dân chủ sẽ do một tập thể lãnh đạo và phân công người chủ trì, điều hành theo một chương trình đã được thống nhất. Kết thúc hội nghị có ban hành nghị quyết hoặc có tổng kết, kết luận hội nghị.
Trong những năm qua, trường CĐSP Lạng Sơn đã có những bước phát triển quan trọng, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tập thể CBGV có tinh thần đoàn kết, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ nhau trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống. CBGV nhà trường luôn có ý thức tự giác, chăm lo xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh về mọi mặt, tạo được niềm tin đối với HSSV, chính quyền và nhân dân địa phương. Có được những thành tích trên chúng tôi hiểu rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là việc nhà trường đã thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học.