Thứ bảy, 21/12/2024
17.2 C
Lạng Sơn

Giao tiếp giữa cha mẹ có con mắc chứng tự kỉ và giáo viên dạy hòa nhập ở trường mầm non

Tóm tắt: Những năm gần đây trẻ mắc chứng tự kỷ đang là vấn đề mang tính thời sự được nhiều người quan tâm do tỉ lệ bệnh có xu hướng tăng. Bệnh tự kỷ thuộc nhóm rối loạn phát triển lan toả có những biểu hiện bất thường đa dạng về tương tác xã hội, ngôn ngữ và hành vi, gây nên việc học hòa nhập ở trường mầm non của trẻ có thể gặp một số khó khăn. Vậy làm thế nào để các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỉ và các giáo viên dạy hòa nhập hiểu tâm lí trẻ, tác động trực tiếp đến trẻ, để giảm thiểu những khiếm khuyết của trẻ về ngôn ngữ cho trẻ, đó là nội dung bài viết đề sẽ cập đến.
Từ khóa: Giao tiếp, trẻ tự kỷ, giáo viên dạy hòa nhập, cha mẹ trẻ…
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
         Những năm gần đây trẻ mắc chứng tự kỷ đang là vấn đề mang tính thời sự được nhiều người quan tâm do tỉ lệ bệnh có xu hướng tăng. Theo nhiều nguồn tài liệu cho biết; tỉ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ vào những năm 1980 là 3-4/10 000, vào những năm1990 là 10- 20/10 000, vào năm 2001 là 62,6/10 000 (trong đó 16,8 là tự kỷ điển hình và 45,8 là các rối loạn phát triển lan toả khác). Những người quan tâm nhiều đến tự kỷ là các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục học, các bác sĩ nhi khoa, các bác sĩ tâm thần nhi, phục hồi chức năng, các nhà tâm lý… Do bệnh tự kỷ thuộc nhóm rối loạn phát triển lan toả có những biểu hiện bất thường đa dạng về tương tác xã hội, ngôn ngữ và hành vi vv, nên việc học hòa nhập ở trường mầm non của trẻ có thể gặp một số khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính gây ra việc trẻ mắc chứng tự kỷ giao tiếp kém là thiếu hụt khả năng xử lí thông tin trong quá trình học tập tại trường mầm non…. Làm thế nào để các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỉ và các giáo viên dạy hòa nhập hiểu tâm lí trẻ, tác động trực tiếp đến trẻ, để giảm thiểu những khiếm khuyết của trẻ về ngôn ngữ cho trẻ.
2. NỘI DUNG
2.1. Tự kỉ và một số suy giảm ở trẻ mắc chứng tự kỷ
2.1.1. Tự kỷ là gì?
Thuật ngữ tự kỷ Autism có gốc từ Hy Lạp: Autos, có nghĩa là “tự thân”.
Bác sĩ tâm thần Eugen Bleuler đầu tiên sử dụng từ này để mô tả triệu chứng rút lui xã hội ở những bệnh nhân có xáo trộn nặng nề mà ông quan sát ở vào khoảng đầu của thế kỷ 20, những bệnh nhân này có thể là bệnh nhân tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm.
Định nghĩa theo DSM-IV-TR: Tự kỷ nằm trong nhóm các rối loạn phát triển lan toả (PDD: Pervasive Developmental Disorders): “Là một nhóm hội chứng được đặc trưng bởi suy kém nặng nề và lan toả trong những lãnh vực phát triển: tương tác xã hội, giao tiếp và sự hiện diện của những hành vi và các ham thích  rập khuôn.” [5]
  – Suy kém về tương tác xã hội
  Cách ly xã hội và không có khả năng liên hệ với người khác. Ví dụ: trong những tình huống mặt đối mặt, trẻ tự kỷ nặng sẽ không nhìn vào mặt người đối diện, thậm chí còn tránh mặt, nhìn sang phía khác.
Có 3 kiểu suy kém về tương tác:
+ Nhóm trẻ có khuynh hướng tách rời: Trẻ tách ly và nằm trong vỏ bọc của chúng, trẻ không đáp ứng xã hội với người khác, không tìm kiếm giao tiếp mắt và thường chủ động né tránh, không thích tiếp xúc thân thể như được ôm, không đáp ứng với người chăm sóc  bằng sự thích thú, phấn khởi.
+ Nhóm trẻ có khuynh hướng thụ động: Những trẻ này chấp nhận những khởi đầu xã hội của người khác nhưng theo cách dễ phục tùng và thờ ơ. Ví dụ trẻ dễ làm theo trẻ khác, tuân theo một cách thụ động.
+ Nhóm trẻ kỳ quặc: Những trẻ này có quan tâm đến người khác nhưng lại thiếu hiểu biết xã hội và thiếu khả năng đánh giá những tiêu chuẩn cho hành vi bình thường. Ví dụ: Trẻ có thể tiếp cận người lạ, sờ vào họ mà không phân biệt lạ quen, hỏi những câu hỏi không thích hợp, không có nhận biết rằng những cách thức như thế sẽ làm khó chịu người khác.
Những nhóm trẻ này cũng có thể thay đổi về cách thức theo quá trình phát triển chứ không phải cố định ở một kiểu.
– Suy kém về giao tiếp
Khoảng một nửa trẻ mắc chứng tự kỷ là ở dạng câm, tức là chưa bao giờ học nói, phần còn lại là trẻ có âm ngữ không giao tiếp. Ví dụ như: nhại lời, tức là trẻ lặp lại một cách chính xác những từ hay câu nói của người khác mà không có cố gắng để hiểu được ý nghĩa của câu nói, nói chuyện theo một kiểu riêng biệt như nói một câu không phù hợp với tình huống.
Ngôn ngữ của trẻ mắc chứng tự kỷ thường theo nghĩa đen và thông thái giả tạo, ví dụ khi y tá bảo trẻ đưa tay cho cô ấy xem thì trẻ tự kỷ lại sợ là tay mình bị lấy đi khỏi!
Dùng đại từ nhân xưng ngược: “Bạn” thay vì “Tôi”: khi trẻ muốn ra ngoài trẻ sẽ nói: Bạn muốn ra ngoài! Sử dụng “tên” thay vì dùng đại từ “tôi” hay em hay con, ví dụ: Hoa muốn đi chơi.
Ngôn ngữ thiếu nhịp điệu và ngữ điệu: trẻ nói bằng giọng đều đều và không đặt cảm xúc vào trong ngôn ngữ.
Chơi cũng là phương thức thông qua đó trẻ giao tiếp nhưng trẻ mắc chứng tự kỷ thường có khuynh hướng chơi một mình và không biết chơi biểu tượng (chơi giả vờ). Tuy nhiên, khi có gợi ý thì khả năng chơi giả vờ của trẻ mắc chứng tự kỷ cũng bằng với trẻ chậm phát triển tâm thần, điều này gợi ý rằng không phải trẻ mắc chứng tự kỷ không có khả năng chơi giả vờ nhưng do không có động cơ chơi như trẻ bình thường.
– Hành vi và những ham thích có tính định hình và giới hạn
Trẻ có thể ngồi trên sàn nhà và lắc người tới lui trong một thời gian dài, trẻ có thể lật chiếc xe đồ chơi lên và xoay bánh xe cùng với giọng điệu ê a của mình, chạy ra cửa sổ, gõ tay lên cửa rồi chạy về xoay bánh xe như cũ!
Trẻ ăn một loại thức ăn, uống một loại chén, mặc một loại quần áo, đi cùng một con đường, sắp xếp đồ vật theo một cách thức. Khi có những thay đổi ở môi trường sống trẻ tỏ ra sợ hãi và lo lắng thậm chí có thể lên cơn nổi giận.
2.1.2. Giao tiếp và vai trò của giao tiếp đối với trẻ tự kỷ
“Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người với người, thông qua đó con người trao đổi thông tin, trao đổi cảm xúc, tác động và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.” [3]
Giao tiếp là hoạt động đặc thù của con người, tiếp xúc tâm lí người – người. Giao tiếp phải có 2 chiều và phải thể hiện tính tích cực cá nhân trong quá trình giao tiếp.
         Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội loài người. Nhu cầu giao tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản nhất, sớm nhất ở con người.
Nhờ giao tiếp con người gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hoá xã hội phát triển tâm lý cá nhân.
 Nhờ giao tiếp, con người nhận thức được chính mình, tự đối chiếu, tự so sánh mình với người khác hình thành năng lực tự ý thức.
Mỗi cá nhân khi tham gia vào quá trình giao tiếp đều có đặc trưng riêng, không ai giống ai dù là anh chị em sinh đôi. Trong quá trình giao tiếp giữa giáo viên và cha mẹ có con tự kỉ, càng đòi hỏi thường xuyên, liên tục. Vì họ cho rằng con mình không giao tiếp được là do không có ngôn ngữ, không biết cách sử dụng từ, không muốn trả lời, không tập trung… Tuy nhiên một trong những nguyên nhân chính gây ra việc trẻ tự kỷ có khả năng giao tiếp kém là do thiếu hụt khả năng xử lý thông tin. Quy trình xử lý thông tin bao gồm 3 bước: thu nhận thông tin, hiểu được ý nghĩa của thông tin và sử dụng thông tin để làm một việc gì đó. Đối với những trẻ gặp rối loạn thần kinh, nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt đó là khả năng kết nối giữa các bộ phận trong não. Có một số bộ phận khả năng kết nối với nhau kém hơn các bộ phận khác. Bộ não phải tìm ra cách phản hồi với một môi trường âm thanh, màu sắc, mùi vị, vị trí, sự cảm nhận cơ thể trong không gian, điều khiển cân bằng… là điều vô cùng phức tạp đối với trẻ mắc chứng tự kỷ.
 Qua giao tiếp, giáo viên truyền đạt thông tin chính xác đến cha mẹ có con tự kỉ, cùng nhau phối hợp can thiệp sớm để tránh thiệt thòi cho trẻ sau này. Vì vậy, giao tiếp giữa cha mẹ có con tự kỉ và giáo viên dạy hòa nhập có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
2.1.3. Giao tiếp giữa cha mẹ có con mắc chứng tự kỉ và giáo viên dạy hòa nhập tại trường mầm non
Những khó khăn trong giao tiếp và ngôn ngữ là hai đặc điểm chính của chứng tự kỷ. Trẻ bị chứng tự kỷ có thể nhận được sự giáo dục từ các trung tâm giáo dục chuyên biệt, hoặc giáo dục hòa nhập. Mục đích cuối cùng là; giúp trẻ có ngôn ngữ, phát triển kỹ năng giao tiếp và nhận thức về thế giới xung quanh.
Giả sử bạn là cha mẹ có con mắc chứng tự kỉ. Bạn có thể nhận ra cảm giác: Buổi sáng bạn đưa con đi học, chờ đợi lo lắng cho đến khi đón con về. Bạn nồng nhiệt chào đón con, nhưng con bạn vẫn quay đầu đi nơi khác và “thu người” vào chỗ ngồi của mình. Bạn sẽ tự đặt câu hỏi: Chuyện gì vậy? Tại sao con mình lại không đáp lại sự nhiệt tình của mình. Lúc này, bạn có thể làm gì? Trong khi đó, để hiểu trẻ hơn, việc này chỉ có thể thông qua giao tiếp với giáo viên trực tiếp dạy trẻ.
Có hai cách để làm việc này – Giao tiếp chính thức hoặc không chính thức. Giao tiếp chính thức được đưa ra dưới hình thức các cuộc họp giữa cha mẹ và giáo viên hoặc thông qua kế hoạch giáo dục cá nhân đối với trẻ. Điều này, đòi hỏi giáo viên dạy hòa nhập cần theo dõi sát trẻ để nắm bắt tình hình, giao tiếp cùng trẻ để hiểu trẻ có nhu cầu gì, kết hợp với cha mẹ để có thông tin thường xuyên về sự trẻ. Từ đó, cả giáo viên và cha mẹ cùng xem xét lên kế hoạch cho các đợt giáo dục tiếp theo. Vì vậy, giao tiếp giữa cha mẹ và giáo viên có vai trò hết sức qua trọng để giáo dục cho một đứa trẻ mắc chứng tự kỉ ngày càng tiến bộ.
2.1.3.1. Vai trò của cha mẹ
Cha mẹ con mắc chứng tự kỷ không ngại khi bày tỏ cảm xúc của bản thân trong các buổi họp phụ huynh hoặc nhóm gia đình có conmắc chứng tự kỷ. Nuôi dạy con mắc chứng tự kỷ là một công việc đầy thử thách, nhưng cha mẹ cần vui vẻ, cởi mở, chia sẻ với mọi người, cha mẹ nên bày tỏ cảm xúc với giáo viên, để họ thấu hiểu tâm tư của bạn.
Cha mẹ nên mời giáo viên đến nhà chơi, để giáo viên có cơ hội để nhìn thấy trẻ trên sân nhà của mình. Điều này diễn ra thường xuyên có thể hình thành một mối quan hệ thân thiện, tốt đẹp giữa trẻ với giáo viên. Cha mẹ có thể giới thiệu với giáo viên một vài đồ vật yêu thích ở nhà của trẻ, giới thiệu về sự trưởng thành của trẻ thông qua hình ảnh trong album gia đình. Cha mẹ chia sẻ những điểm mạnh, những hoạt động yêu thích, thức ăn, đồ vật trẻ yêu thích,…. đồng thời cũng nói lên những mặt hạn chế của trẻ. Từ đó, phát huy mặt mạnh và tác động vào mặt hạn chế của trẻ, giúp trẻ tự tin hơn trong các hoạt động khác.
Đôi khi, ngoài việc đưa đón thường ngày, cha mẹ có thể có những cuộc gặp ngắn đối với giáo viên trực tiếp chăm sóc-giáo dục trẻ. Có thể mang một chút bất ngờ đến lớp (tặng hoa cho giáo viên, cho cả lớp, không nhất thiết phải vào ngày đặc biệt), điều này làm tăng thêm cảm xúc tích cực đối với đứa trẻ bị chứng tự kỉ (câu thiếu chủ ngữ).
Cha mẹ kết hợp với giáo viên viết nhật kí hàng ngày để ghi lại tất cả những biểu hiện hành động, cảm xúc của trẻ, để can thiệp kịp thời đến hành vi sai lệch của trẻ, đồng thời phát huy mặt mạnh ở trẻ.
Trẻ mắc chứng tự kỷ nhận thức và giao tiếp khó khăn hơn trẻ bình thường gấp nhiều lần, nên việc dành thời gian chơi học cùng trẻ nhiều hơn, kiên trì hơn, khi trẻ ở nhà cùng cha mẹ. Cha mẹ dành thời gian chơi cùng trẻ, trò chuyện về cách lắp ghép các đồ chơi, trò chuyện về cách dọn dẹp nhà cửa… hành động được lặp lại thường xuyên, giúp ghi nhớ bền vững ở trẻ.
2.1.3.2. Vai trò của giáo viên mầm non
Giáo viên hòa nhập giúp trẻ mắc chứng tự kỷ học tập, giao tiếp, tham gia các hoạt động tập thể để trẻ dần làm quen với các bạn trong lớp, giúp trẻ tự tin hơn với các hoạt động tập thể. Trẻ bị chứng tự kỷ thường đòi hỏi sự chú ý đặc biệt trong suốt quá trình học tập. Giáo viên giáo dục hòa nhập hoạt động với trẻ ở trường mầm non bằng cách giáo dục cá nhân hoặc nhóm nhỏ (2-3 trẻ). Những trẻ này, khả năng tập trung chú ý không cao, thậm chí chưa có khả năng tập trung chú ý, nên giáo viên cần sử dụng phương pháp “mặt đối mặt” để cung cấp kiến thức, ngôn ngữ, uốn nắn hành vi đúng cho trẻ.
Giáo viên thường xuyên giao tiếp với cha mẹ có trẻ mắc chứng tự kỉ. Thông báo cả vấn đề tích cực, tiêu cực để cha mẹ biết tình hình của con mình.
Giáo viên không làm cho cha mẹ trẻ cảm thấy đó là trách nhiệm của họ để “sửa chữa” các vấn đề đang xảy ra của con họ ở trường.
Giáo viên trả lời các câu hỏi/đề nghị từ cha mẹ trẻ một cách nhanh chóng khi có thể.
Giáo viên cần viết nhật kí của trẻ mắc chứng tự kỉ thường xuyên, hoặc trao đổi với cha mẹ những vấn đề xảy ra ngay trước mắt, trong ngày khi cha mẹ đến đón trẻ.
Giáo viên cần liên lạc thường xuyên với cha mẹ trẻ, ngay cả khi cha mẹ không liên lạc, để cung cấp thông tin xảy ra hàng ngày của trẻ ở trường mầm non. Giáo viên khuyến khích cha mẹ tham gia vào các hoạt động tập thể ở trường, nơi con mình học. Mục đích của việc này để cho cha mẹ trẻ thấy được sự tiến bộ của trẻ. Có như vậy, mới đảm bảo cho trẻ được học tập tích cực tại trường mầm non hòa nhập.
Việc giao tiếp giữa cha mẹ có con tự kỉ và giáo viên dạy hòa nhập không phải lúc nào cũng điễn ra tốt đẹp. Bởi vì, một số cha mẹ không thừa nhận sự thật về khả năng của trẻ, nên giáo viên rất khó để bày tỏ suy nghĩ của mình trong quá trình giáo dục trẻ. Điều này dẫn khó khăn trong việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ mắc chứng tự kỷ.
Việc giáo dục cho một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ khó khăn gấp nhiều lần so với đứa trẻ bình thường. Trẻ bình thường, khả năng nhận thức nhanh, nhu cầu giao tiếp, hoạt động tốt hơn, giáo viên nói 1-2 lần trẻ đã hiểu và thực hiện nhiệm vụ cô giao, trẻ mắc chứng tự kỷ không như vậy; trẻ chơi một mình, sợ tiếp xúc với người khác, nói nhiều lần nhưng không thực hiện được nhiệm vụ giáo viên giao. Để dạy trẻ mắc chứng tự kỉ, giáo viên phải nói, làm mẫu nhiều lần, thậm chí có những trẻ làm rất tốt, nhưng khi giáo viên hỏi lại quy trình thực hiện các thao tác đó, trẻ không nói được, đối với trẻ mắc chứng tự kỷ, dạng trí nhớ này được gọi là “sao chụp”.
3. KẾT LUẬN
Trẻ bị tự kỉ đã là thiệt thòi lớn, người lớn cần chú ý tạo cho trẻ môi trường giáo dục phù hợp, cần giáo dục trẻ với tất cả sự yêu thương, trách nhiệm của người giáo viên, của các bậc phù huynh. Trong quá trình chăm sóc-giáo dục trẻ cần tăng cường trao đổi thông tin giữa cha mẹ và giáo viên để thấy được sự thay đổi ở đứa trẻ. Khi đứa trẻ bị tự kỷ, giao tiếp trở nên quan trọng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng diễn ra thường xuyên đối với tất cả những người có liên quan, nhưng nó là nỗ lực để thể cải thiện các mối quan hệ, điều đó không chỉ có lợi cho đứa trẻ bị tự kỉ mà còn cả đối với những người trực tiếp chăm sóc-giáo dục trẻ.
Việc giao tiếp, hợp tác giữa cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ và giáo viên hòa nhập cần được thường xuyên, liên tục để kịp thời nắm bắt thông tin, có biện pháp giáo dục thích hợp, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.
Đỗ Thị Xuyến – Khoa Đào tạo giáo viên
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hương Giang, Trần Trọng Hải, Trần Thị Thu Hà (2002). Bước đầu tìm hiểu Một số yếu tố nguy cơ, lâm sàng bệnh tự kỷ ở trẻ em. Tạp chí Nhi khoa, tập 10, NXB Y học.
2. Trần Thị Việt Hà. (2002) Bước đầu tìm hiểu một số đặc điểm tâm lý ở tẻ tự kỷ. Khoá luận tốt nghiệp ngành tâm lý học Trường ĐHSP Hà Nội.
3. Ngô Công Hoàn(1997) Giao tiếp và ứng xử Sư¬ phạm. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
4. ICD – 10, Geneva 1992,
5. Mini DSM – IV. (1994). American Psychiatry Association,
6. Michael Rutter Lionel Hersov (1990) Child and Adolescent Psychiatry. Oxfoxd.