Thứ tư, 16/10/2024
21.5 C
Lạng Sơn

Hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu văn hóa – lịch sử Lạng Sơn” của học sinh khối 5,6,8 trường TH&THCS Lê Quý Đôn

Thực hiện Kế hoạch số 88/KH-LQĐ, ngày 31 tháng 8 năm 2024 của Trường TH&THCS Lê Quý Đôn về thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025; hướng tới Ngày hội Văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn năm 2024; được sự đồng ý của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, ngày 04/10/2024, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn đã tổ chức hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu văn hóa – lịch sử Lạng Sơn” cho học sinh khối 5, 6, 8 tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Học sinh được tham quan Bảo tàng Lạng Sơn, đền Cô Bé Thượng ngàn, đền Cửa Đông; tham gia các trò chơi đòi hỏi sự nhanh nhạy và năng lực hợp tác nhóm.
Hoạt động nhằm bồi đắp cho học sinh tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống văn hóa – lịch sử của Lạng Sơn; giáo dục học sinh hiểu được truyền thống lịch sử của tỉnh Lạng Sơn và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh; phát triển các năng lực chung (tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo); năng lực đặc thù (các môn Ngữ văn, Lịch sử, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung Giáo dục địa phương); góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy học lớp 5 tiếp cận chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lớp 6; nâng cao tinh thần đoàn kết trong tập thể lớp, khối lớp, sự gắn bó giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh. Hoạt động cũng nằm trong khuôn khổ ứng dụng kết quả của đề tài cấp tỉnh Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao năng lực dạy học tích hợp liên môn cho đội ngũ giáo viên trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do trường CĐSP Lạng Sơn thực hiện.
Nội dung các môn học, hoạt động giáo dục liên quan cụ thể được tích hợp như sau:
Môn Tiếng Việt lớp 5, Ngữ văn lớp 6,8:
– Lớp 5: Viết bài văn tả phong cảnh có sử dụng so sánh, nhân hoá và những từ ngữ gợi tả để làm nổi bật đặc điểm của đối tượng được tả.
– Lớp 6: Viết bài văn kể lại một trải nghiệm.
– Lớp 8: Viết bài văn kể lại chuyến tham quan một di tích văn hóa/ lịch sử.
Hoạt động trải nghiệm lớp 5; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6,8: Hoạt động hướng đến xã hội (xây dựng cộng đồng).
Nội dung Giáo dục địa phương lớp 5,6,8
– Lớp 5: Tự hào Lạng Sơn quê hương em; Tìm hiểu về cảnh đẹp, di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Lạng Sơn. Tìm hiểu về cuộc đời, hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
– Lớp 6: Vị trí địa lí, giới hạn và sự phân chia hành chính ở Lạng Sơn; Vùng đất Lạng Sơn từ thời nguyên thủy đến thế kỉ X; Trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; Một số nhân vật lịch sử tiêu biểu ở Lạng Sơn.
– Lớp 8: Lễ hội truyền thống của Lạng Sơn; Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân Lạng Sơn từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX; Tìm hiểu bảo tàng ở Lạng Sơn; Dân cư, lao động và tình hình đô thị hóa ở tỉnh Lạng Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động còn lồng ghép nội dung giáo dục Quốc phòng – An ninh theo Thông tư số 08/2024/TT-BGDĐT với các nội dung cụ thể sau:
– Lớp 5: Giáo dục tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu hòa bình, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; giới thiệu chủ quyền biên giới Việt Nam; giáo dục tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức kỷ luật tốt trong học tập.
– Lớp 6,8: Giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kì lịch sử; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; giới thiệu một số sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Để đánh giá mức độ nhận thức của học sinh sau khi tham gia trải nghiệm, Ban tổ chức đã đưa vào chương trình hoạt động phần thi hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương và về các địa điểm vừa tham quan. Đặc biệt, hưởng ứng Ngày hội Văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn năm 2024 và gắn kết hơn nữa giữa học sinh – giáo viên – phụ huynh, Ban tổ chức đã tổ chức hoạt động thi trình diễn trang phục dân tộc giữa các lớp, với thành phần yêu cầu gồm 02 học sinh, 01 giáo viên, 01 phụ huynh.
Các hoạt động trò chơi dân gian (kéo co, bịt mắt đánh trống,…) đã mang đến cho mỗi học sinh, giáo viên và phụ huynh những tiếng cười vui vẻ, sảng khoái, góp phần tạo nên năng lượng tích cực cho mỗi cá nhân tham gia.
Để hoạt động trải nghiệm diễn ra hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tìm hiểu trước các địa điểm tham quan qua các kênh thông tin trên internet; hướng dẫn học sinh cách quan sát, tìm ý, lập dàn ý bài văn kể lại trải nghiệm; hướng dẫn cách thu thập tư liệu để làm sản phẩm học tập các môn học liên quan. Qua đó, giáo viên sẽ tiến hành đánh giá và nhận định mức độ bộc lộ và phát huy năng lực quan sát – miêu tả, năng lực tự sự, năng lực biểu cảm xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân học sinh.
Hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu văn hóa – lịch sử Lạng Sơn” đã mang đến không khí tưng bừng, với những khoảnh khắc đầy ý nghĩa cùng cha mẹ, thầy cô, bạn bè cho học sinh khối 5, 6, 8. Tham gia buổi trải nghiệm, các em học sinh mạnh dạn hơn, sôi nổi hơn, biết đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ. Đặc biệt, trong không khí nhân dân thành phố Lạng Sơn chào đón Ngày hội Văn hóa các dân tộc năm 2024, hoạt động đã kết nối tri thức về văn hóa – lịch sử địa phương mà học sinh tích lũy được để các em thêm tự hào, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh nhà. Hoạt động trải nghiệm đầu tiên thành công báo hiệu một năm học mới với thật nhiều điều bổ ích./.
Một số hình ảnh:

Thầy giáo Nông Ngọc Hồi – Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lê Quý Đôn chụp ảnh lưu niệm cùng GVCN, HS, PH các lớp

Đoàn giáo viên tham gia phụ trách hoạt động

Học sinh tham quan, tự giới thiệu về các đền dọc công viên bờ sông Kỳ Cùng

Nụ cười tươi rói của học sinh khi chơi trò chơi dân gian và tham gia các hoạt động

Giáo viên, phụ huynh cùng học sinh trình diễn trang phục dân tộc

Học sinh tham gia các hoạt động thu thập tư liệu phục vụ việc hoàn thành sản phẩm học tập

Phụ huynh rất hào hứng tham gia hoạt động

Thầy giáo Lê Minh Thắng – Hiệu trưởng trường TH&THCS Lê Quý Đôn
trao quà cho các đội chơi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây