Ngày 30/9/2023, tại hội trường Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công Hội thảo tham vấn “Tài liệu cập nhật chương trình và hướng dẫn giáo viên cấp trung học về giáo dục giới tính, tình dục an toàn và kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật”. Đây là tài liệu hướng dẫn thực hiện khung chương trình giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông 2018 (Điều chỉnh dành cho học sinh khuyết tật hòa nhập).
Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo của Bộ GD&ĐT; Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA); đại diện giáo viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông các tỉnh thành; các trường Đại học Đà Nẵng, ĐH Hải Dương, ĐH Hải Phòng và một số trường CĐSP ở khu vực phía Bắc; đại diện phụ huynh học sinh có con bị khuyết tật; tổ chức của người khuyết tật và nhóm chuyên gia tư vấn độc lập. Trường CĐSP Lạng Sơn đã cử tham dự 02 giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về lĩnh vực Tâm lý – Giáo dục là giảng viên Nguyễn Thị Phương Loan (Trưởng phòng KHCN&ĐBCL) và giảng viên Đinh Thị Tình (Tổ trưởng chuyên môn, Khoa Các bộ môn chung).
Tại hội thảo, đại biểu đã lắng nghe các nhà khoa học và nhóm chuyên gia trình bày về công tác triển khai tài liệu về nội dung giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (GDGTTDTD) cho học sinh khuyết tật đến các khối trường trung học. Tài liệu được các đại biểu đánh giá cao về chất lượng, nội dung. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra những khoảng trống trong tài liệu hướng dẫn GDGTTDTD cho học sinh khuyết tật, bao gồm:
+ Thiếu “quyền ra quyết định” về chính cơ thể của học sinh khuyết tật: tài liệu chưa nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng tự ra quyết định về cơ thể như kết hôn, sinh con, về cơ thể mình mong muốn, nhất là các chủ đề về hôn nhân, sinh sản, hình ảnh cơ thể, mang thai hoặc tình bạn, tình yêu.
+ Thiếu tính tiếp cận trong giáo dục về sức khỏe sinh sản cho học sinh khuyết tật: trong tài liệu các hợp phần về nội dung, phương pháp giảng dạy, mục tiêu bài học, nguyên tắc và quy trình lồng ghép chưa phù hợp tới đặc điểm phát triển trẻ khuyết tật.
+ Thiếu sự kết nối và liên hệ trong phòng chống xâm hại và trợ giúp pháp lý: việc thiết kế, sắp xếp các chủ đề, lĩnh vực, nội dung chưa được phân tích sâu và hướng dẫn cụ thể để làm nổi bật tầm quan trọng của kỹ năng phòng chống bạo hành và tiếp cận tư pháp.
+ Tính nhạy cảm trong việc sử dụng ngôn từ về người khuyết tật: việc sử dụng ngôn từ chưa thể hiện sự hòa nhập, tính tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về trẻ khuyết tật.
+ Thiếu sự thông tin về hệ thống các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ thân thiện với học sinh khuyết tật trong trường hợp các em có nhu cầu tiếp cận dịch vụ hoặc được giới thiệu thuyên chuyển. Một số thông tin y tế được cập nhật trong tài liệu chưa thực sự đầy đủ và chính xác.
Nhiều ý kiến của các trường trong đó có ý kiến của giảng viên Đinh Thị Tình, khuyến nghị tài liệu cần bổ sung thêm một số nội dung như quy trình thiết kế giảng dạy, cách xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp với người khuyết tật, vai trò của phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường… Nhiều đại biểu cũng thừa nhận rất nhiều trường còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai nội dung GDGTTDTD trong thực tế giáo dục tại nhà trường (ở cả hai mô hình hòa nhập và chuyên biệt).
Kết luận buổi hội thảo, T.S Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ Quản lý ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu các trường, khuyến nghị nhóm chuyên gia của Bộ GD&ĐT xem xét bổ sung vào tài liệu và khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ sớm đưa tài liệu triển khai xuống các trường học. Hội thảo đã mở ra nhiều nội dung cần triển khai trong thời gian tới nhằm mang lại những giải pháp phù hợp nhất trong công tác giáo dục nói chung và giáo dục giới tính, tình dục an toàn và kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật hòa nhập nói riêng hiện nay./.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo
T.S Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ Quản lý phát biểu khai mạc hội thảo
Giảng viên chụp ảnh cùng T.S Vũ Minh Đức, cục trưởng NG&CBQL
Các đại biểu chụp ảnh chung tại buổi hội thảo
Các chuyên gia báo cáo tóm tắt về tài liệu hướng dẫn dạy học cho HS khuyết tật hòa nhập