Thứ tư, 22/01/2025
16.6 C
Lạng Sơn

Thầy giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân – Niềm đam mê Âm nhạc

Năm 2003, tôi may mắn thi đỗ vào ngành Thanh nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Lạng Sơn, người hướng dẫn, dìu dắt và truyền cho tôi những nốt nhạc đầu tiên chính là thầy giáo Nguyễn Văn Tân. Thầy sống giản dị, mộc mạc và rất gần gũi, thân thiện cởi mở với học trò. Sau những giờ học căng thẳng, mệt mỏi hoặc khi trong lớp có ai gặp chuyện khó khăn, thầy thường kể những câu chuyện để động viên, chia sẻ cho chúng tôi vượt qua. Trong những câu chuyện đó, câu chuyện về bản thân thầy chính là tấm gương để chúng cố gắng học tập, noi theo.


Chân dung thầy giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân

Thầy giáo Nguyễn Văn Tân sinh năm 1976, dân tộc Kinh, quê gốc ở xã Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, nay là Thành phố Hà Nội. Thầy sinh ra trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em, tuy nhiên chỉ duy nhất có thầy là dấn thân vào con đường nghệ thuật. Con đường đến với âm nhạc của thầy cũng có nhiều truân chuyên, gập ghềnh, thầy chia sẻ: “Học xong phổ thông, tôi thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương, học tại Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp, Nhà trường giữ tôi ở lại làm giảng viên, làm việc được một năm, vì muốn tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn nên tôi xin thôi việc và tiếp tục thi vào ngành Sáng tác âm nhạc của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian học tập tại Nhạc viện chưa được bao lâu, tôi phải bỏ học giữa chừng do điều kiện kinh tế khó khăn. Vì cuộc sống mưu sinh, tôi cũng bôn ba khắp nơi và rồi đến năm 2001, tôi chính thức trở thành giáo viên của Trường Trung cấp Vă hóa – Nghệ thuật Lạng Sơn”.
Suốt những năm tháng học dưới mái trường nghệ thuật, rồi lại làm giáo viên giảng dạy âm nhạc, tôi lại càng thấu hiểu những nỗi vất vả của những thầy, cô dạy nghệ thuật. Bởi nghệ thuật đòi hỏi người học phải có năng khiếu thực sự, nhưng với một trường trung cấp ở địa phương, không phải ai vào học cũng có được năng khiếu “Trời ban”. Vì vậy, các thầy, cô không chỉ nhiệt huyết với nghề, mà còn phải tận tụy, yêu thương, chia sẻ với học trò thì mới có thể “truyền lửa” cho học sinh. Và thầy Nguyễn Văn Tân đã truyền lửa, chắp cách cho chúng tôi tiếp bước con đường nghệ thuật. Ngoài những bài giảng trên lớp còn minh chứng cho chúng tôi thấy được sự cố gắng nỗ lực của thầy trên con đường mà thầy đã chọn. Nhiều năm liền thầy đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, 03 năm liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, năm 2009 thầy đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc. Song song với công việc, thầy tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia đào tạo trình độ Thạc sĩ. Không chỉ với vai trò người thầy trên bục giảng, thầy còn là nhạc sĩ, tham gia dàn dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, của tỉnh, Hội thi tài năng nghệ thuật của các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc và đạt nhiều giải thưởng. Từ năng lực cũng như những việc làm cụ thể, thầy đã được các cấp tín nhiệm, bổ nhiệm giữ các chức vụ như Tổ trưởng chuyên môn (2009), Trưởng khoa nghệ thuật (2010) rồi Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Lạng Sơn (2011). Dù ở cương vị nào, chúng tôi – những thế hệ học sinh của thầy vẫn luôn nhận thấy, thầy thật giản dị, gần gũi và yêu thương học trò.
Tôi vẫn nhớ như in những lời thầy nói năm 2006 khi tôi sắp tốt nghiệp hệ Trung cấp: “Hiện nay trường mình còn thiếu giáo viên âm nhạc, đặc biệt là giáo viên giảng dạy Thanh nhạc, thầy thấy em học tốt, có tố chất, nếu em muốn làm ca sĩ thì sau khi tốt nghiệp em có thể xin được việc làm tại một số cơ quan, nhưng nếu em muốn làm giáo viên thì cần tiếp tục học Đại học, thầy không thể hứa nhưng có thể tham mưu với cấp trên để em quay về trường làm giáo viên, cống hiến cho tỉnh nhà”. Đúng như mong ước của tôi, được lời thầy nói như cởi tấm lòng. Năm 2012, tôi tốt nghiệp Đại học Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi trở về trường và chính thức trở thành đồng nghiệp của thầy.
Tình yêu với Xứ Lạng
Thầy giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân không chỉ có duyên với mảnh đất Xứ Lạng mà còn nảy nở tình yêu với cô học trò khoa Nhạc người gốc Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn. Năm 2003, thầy và cô học trò chính thức lập gia đình, chính từ tình yêu với người vợ, với gia đình đã giúp người nhạc sĩ quê Phúc Thọ thêm gắn bó với Lạng Sơn. Trong 120 sáng tác của thầy, ngoài những sáng tác về Đảng, về Bác Hồ Kính yêu, về tình yêu, quê hương đất nước, thầy cô, mái trường,… có hơn chục tác phẩm viết về miền núi và lấy chất liệu âm nhạc dân gian của Lạng Sơn. Trong những năm gần đây, nhiều tác phẩm của thầy đã đạt nhiều giải thưởng cao quý như: Giải A- giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hoàng Văn Thụ lần thứ V; Giải Nhì (không có giải Nhất) sáng tác về quê hương Văn Quan và anh Lương Văn Tri; Giải Nhì sáng tác về tỉnh Lạng Sơn; Giải C – giải thưởng Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam,…


Thầy giáo Nguyễn Văn Tân đứng ngoài cùng bên trái

Tuy nhiên, là một nhà giáo, nhạc sĩ, thầy vẫn đau đáu muốn viết sáng tác những tác phẩm cho riêng mình. Vì vậy, tác phẩm “Bản làng vui đón chào cô giáo” (2007), “Ta yêu nghề yêu mãi ở trong tim (2020, thơ Vũ Tuấn) chính là lời tự sự của thầy về chính mình và công việc của những người thầy, người cô trên bục giảng, góp phần là cầu nối mang tri thức cho các em học sinh.
Ngoài ra, thầy luôn quan tâm, yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Năm 2017, qua tìm hiểu Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, được biết nơi đây đang nuôi dưỡng các cháu nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa, khuyết tật,… Thầy đã chủ động gặp Lãnh đạo Trung tâm xin được mở lớp dạy đàn Organ miễn phí cho các cháu, tặng 06 đàn Organ và tài liệu, giáo trình để phục vụ hoạt động dạy học. Lớp học đã thu hút 14 cháu tham gia học tập. Mỗi tuần thầy tham gia giảng dạy 2 buổi, các cháu rất hào hứng, phấn khởi khi được tiếp xúc với âm nhạc. Thầy chia sẻ “Mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau, cháu thì mồ côi cha mẹ, cháu thì bố mẹ ly hôn, có cháu bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, cháu thì bị xương thủy tinh,… Hoàn cảnh là như vậy nhưng các cháu rất yêu thương, giúp đỡ nhau trong học tập cũng như cuộc sống. Tuy nhiên, học nhạc đòi hỏi phải có năng khiếu và sự khổ luyện, do vậy mà lớp học chỉ kéo dài được gần 2 năm thì tan rã, đó là điều mà tôi thấy nuối tiếc”.


Học sinh lớp đàn Organ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn
tặng hoa Thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tháng 9 năm 2019, Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Lạng Sơn giải thể. Trong cơ quan, chúng tôi chẳng ai bảo ai nhưng hình như đều có tâm trạng và nỗi niềm chung giống nhau. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” chưa biết “đi đâu, về đâu” nhưng chúng tôi luôn nhận được những lời an ủi, động viên kịp thời của thầy Tân. Thầy bảo: “Các thầy cô cứ yên tâm công tác, cánh cửa này đóng thì sẽ có cánh cửa khác mở để đón nhận chúng ta, các đồng chí lãnh đạo không để chúng ta khổ, thiệt thòi đâu mà lo”. Thầy động viên chúng tôi là vậy, nhưng hình như trên mái tóc thầy lại điểm những sợi bạc theo ngày tháng.
Ngày chúng tôi nhận quyết định công tác về Trường CĐSP Lạng Sơn, Thầy cũng về cùng chúng tôi, thầy nói: “Ở đâu tôi cũng thấy hay, nhưng có lẽ nghề thầy giáo nó gắn với cuộc đời tôi rồi, đêm nào ngủ cũng mơ thấy phấn trắng, bảng đen nên tôi quyết định xin về cùng các bạn”. Đến nay, ở môi trường mới – Trường CĐSP Lạng Sơn cũng gần được 3 năm, tôi thấy thầy như một người anh cả, luôn cần mẫn, trách nhiệm trong công việc đồng thời cũng luôn chỉ bảo, nhắc nhở khi chúng tôi chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của bản thân.
Công tác tuyển sinh, đào tạo nhóm ngành Văn hóa Nghệ thuật ngày một khó khăn, nhu cầu người học ít, các cháu tốt nghiệp THPT chỉ mong được vào học các ở trường Đại học, không đỗ được thì lại đi làm việc tại công ty. Thầy cũng đã tìm kiếm các giải pháp để tham mưu công tác tuyển sinh cho nhà trường: xây dựng các chương trình cao đẳng để xin cấp phép đào tạo; phối hợp với các Trung tâm GDTX – GDNN để mở các lớp trung cấp cho đối tượng phân luồng sau THCS, trực tiếp đi tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh tại các huyện trong tỉnh để tìm việc làm cho chúng tôi. Tuy nhiên, việc tìm kiếm tài năng nghệ thuật lúc này như “đãi cát tìm vàng”. Nhìn mái tóc thầy ngày càng bạc thêm, làn da sạm cháy bởi gió sương và những lo toan trong sự nghiệp trồng người, nhìn thầy, chúng tôi lại càng thấy thương và quý trọng thầy.
Năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường, thầy nói: “Chương trình nghệ thuật chào mừng là linh hồn của một chương trình, Khoa chúng ta còn nhiều hạn chế, vì vậy, đây là dịp để chúng ta cố gắng, thể hiện và đóng góp vào thành công chung của nhà trường, các đồng chí cần đồng lòng, hợp sức, tôi cũng vậy, sẽ cố gắng viết một cái gì đó để dành tặng Nhà trường,…”. Và thế là “Thắp sáng những ước mơ” ra đời. Đây cũng là bài hát thầy tâm huyết, viết nên chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Trường CĐSP. Bài hát đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các thế hệ thầy cô cũng như các đồng chí lãnh đạo, quí vị đại biểu về tham dự buổi lễ. Cuối năm 2021 cũng là năm đánh dấu tập ca khúc thứ ba của thầy ra đời, tôi thầm mong cho thầy luôn có sức khỏe, hạnh phúc, luôn cháy bỏng ngọn lửa đam mê âm nhạc để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc cũng như sự nghiệp trồng người./.