Thứ Bảy, 20/04/2024
31.5 C
Lạng Sơn

Dạy học trực tuyến môn Giáo dục thể chất ở các trường đại học, cao đẳng

Tóm tắt: Cũng giống như các môn học khác, môn Giáo dục thể chất ở các trường học nói chung, trường đại học, cao đẳng nói riêng có thể tổ chức dạy học trực tuyến. Bài viết bàn về ưu điểm, lợi ích của việc tổ chức dạy học trực tuyến ở các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời đề xuất một số giải pháp để tổ chức dạy học môn học hiệu quả.
Từ khóa: Dạy học, trực tuyến, giáo dục thể chất, cao đẳng, đại học,…

1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, khái niệm “dạy học trực tuyến” từ xa lạ đã trở nên quen thuộc bởi lẽ do yêu cầu khách quan của đại dịch Covid-19. Các nhà trường từ bậc mầm non đến bậc đại học điều triển khai tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, tùy theo từng bậc học, điều kiện thực tế của các nhà trường cũng như trình độ, lứa tuổi của người học mà tổ chức dạy học trực tuyến với mức độ khác nhau. Với sự phát triển của công nghệ 4.0 cũng như để đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành giáo dục đang chủ động thay đổi phương thức tổ chức dạy học phù hợp với bối cảnh mới.
Giáo dục thể chất (GDTC) là một môn học đặc thù và còn rất xa lạ với khái niệm dạy học trực tuyến. Song để đảm bảo chương trình giảng dạy môn học đạt được hiệu quả tốt nhất, khi chuyển sang hình thức dạy học online, giảng viên phải có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và không ngừng tự bồi dưỡng nâng cao ứng dụng các phần mềm phục vụ cho công tác giảng dạy như Zoom, Teams, Meet, các phần mềm chỉnh sửa clip, sửa ảnh, cắt ghép nhạc,… Để thích ứng với tình hình mới, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đã thay đổi, chủ động lựa chọn nội, xây dựng, đề xuất điều chỉnh kế hoạch chương trình phù hợp với dạy trực tuyến, quay video clip bài giảng rõ hình, rõ tiếng, hướng dẫn từng động tác các bài tập phục vụ hiệu quả cho sinh viên tập luyện. Ngoài ra, mỗi giảng viên tổ chức dạy học trực tuyến cũng như thiết kế các bài giảng PowerPoint có hình ảnh bắt mắt, sinh động, âm thanh rõ ràng thu hút sự tập trung của sinh viên.
Từ ban đầu, nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ chuyển đổi đối với một số học phần mang tính đối phó, đến nay tất cả các học phần theo các phân môn hẹp, cả chuyên và không chuyên GDTC đều được chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, sẵn sàng giảng dạy hiệu quả thích ứng với thời kỳ mới.
2. Nội dung
2.1. Khái niệm dạy học trực tuyến
Dạy học trực tuyến là hình thức giảng dạy và học tập ở các lớp học trên Internet. Người dạy và người học sử dụng phần mềm nền tảng học trực tuyến, ứng dụng truyền âm thanh, hình ảnh và các thiết bị thông minh (laptop, smartphone, máy tính bảng,…).
Các bài giảng, tài liệu (dưới dạng văn bản, hình ảnh, video…) được đưa lên các nền tảng và người dùng có thể dễ dàng truy cập và học mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó còn có các khóa học cùng thời gian thực có sự tham gia và tương tác giữa giảng viên và sinh viên.
2.2. Ưu điểm của dạy học trực tuyến
– Hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh: Việc áp dụng dạy học trực tuyến đã đảm bảo các lớp học vẫn diễn ra theo kế hoạch, giảng viên và sinh viên không phải đến lớp nên giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
– Thúc đẩy tính tự học: Người học có thể chủ động lựa chọn khóa học mong muốn và học bất cứ lúc nào, ở đâu. Họ có thể rút ngắn thời gian học vì không phụ thuộc vào thời gian biểu ở các lớp học truyền thống.
– Ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục: Giảng viên trau dồi năng lực, tìm tòi các hình thức giảng dạy mới để thu hút người học. Từ đó, chất lượng giảng dạy được nâng cao.
Trong dạy học trực tuyến có 2 khái niệm mà người dùng hay nhầm lẫn đó là: công cụ dạy học trực tuyến và nền tảng giáo dục trực tuyến.
– Công cụ dạy học trực tuyến: Đây là các phương tiện giúp người dạy và người học cùng tham gia vào cùng một thời điểm và có thể tương tác với nhau. Một số công cụ hỗ trợ dạy học online thông dụng là: Zoom, Skype, Hangouts, Google Meet,…
– Nền tảng giáo dục trực tuyến: Đây là phần mềm học trực tuyến cho phép tổ chức các buổi học trong thời gian thực và các khóa học trực tuyến – nơi người học có thể truy cập bất cứ thời gian nào, sử dụng tài liệu được tải lên hệ thống để tự học.
2.3. Sự cần thiết tổ chức dạy học trực tuyến đối với môn Giáo dục thể chất
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các môn văn hóa khác, môn GDTC cũng thực hiện giảng dạy theo hình thức trực tuyến. Chứng kiến sinh viên học môn thể thao vận động trực tuyến, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của nó. Mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, đặc biệt là khi học sinh, sinh viên không thể đến được trường vì những lí do khách quan.
Trên thực tế, môn học GDTC đã được triển khai dạy trực tuyến từ năm 2020 khi tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp khiến kế hoạch giảng dạy của các trường trên cả nước phải thay đổi cho phù hợp. Cứ một hai tháng lại giãn cách một lần, không thể bỏ môn học này nên các nhà trường đã thống nhất dạy trực tuyến và yêu cầu các người dạy phải biên soạn giáo án sao cho phù hợp với tình hình thực tế mà vẫn đáp ứng được tiêu chí của môn GDTC. Giáo án số là một khái niệm xa lạ đối với nhiều giảng viên, song để đảm bảo chương trình giảng dạy và thích ghi với tình hình mới, các giảng viên đều phải thay đổi, chủ động xây dựng, quay clip bài giảng hướng dẫn từng động tác các bài thể dục, các động tác theo từng môn thể thao tự chọn, tổ chức dạy học trực tuyến.
Nội dung GDTC có hướng dẫn các kỹ năng vận động, tập luyện đảm bảo sức khỏe cho sinh viên. Ngoài giờ học chính khóa, sinh viên có thể tập luyện để nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Không thể vì giãn cách xã hội mà chúng ta bỏ môn học này. Khó khăn trong dạy trực tuyến cũng như bao khó khăn khác, nếu chúng ta cùng nhau khắc phục, cùng nhau tìm ra giải pháp thì vẫn đem lại những hiệu quả tích cực. Việc cho rằng GDTC không cần thiết phải dạy trực tuyến chỉ là nhận định và quan điểm của một số ít người nhưng cũng còn rất nhiều người lại đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học này. Từ đó, có thể từng bước tiến tới đào tạo trực tuyến môn học này.
Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích sự sáng tạo của người dạy và người học. Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho người dạy và người học chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến GDTC, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra – đánh giá.
Như vậy, dạy học trực tuyến GDTC tạo điền kiện hình thành và phát triển các năng lực “tự chủ và tự học”, “năng lực tin học”, “năng lực công nghệ”, “giải quyết vấn đề và sáng tạo”.
2.4. Biện pháp tổ chức dạy học trực tuyến môn Giáo dục thể chất ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), dạy học trực tuyến là hoạt động nhằm hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp, thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình để hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó. Mô hình dạy học mới được áp dụng tiêu biểu là “đào tạo trực tuyến” – một trong những giải pháp tối ưu có khả năng đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong học tập, giảng dạy và thuận lợi trong đào tạo nhiều cấp học cũng như những mặt tích cực mà phương thức này mang lại trong quá trình giảng dạy và học tập.
Dạy học trực tuyến là hình thức giáo dục phổ biến nhiều quốc gia. Làm thế nào để dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả là vấn đề khiến các nhà quản lý giáo dục, người dạy và người học quan tâm.
2.4.1. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học
Đối với nhà trường: Đầu tư hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ khi dạy học trực tuyến. Bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ dạy học. Hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để triển khai, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết.
Nhà trường, giảng viên phối hợp với sinh viên để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp khi sinh viên học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các giảng viên chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp.
Điều tra, khảo sát sinh viên khả năng đáp ứng yêu cầu học trực tuyến về thiết bị học tập, tâm thế chuẩn bị học tập GDTC, trang bị cho sinh viên những kỹ thuật để duy trì sự hứng thú, sự tập trung trong học tập trực tuyến cũng như cách thức cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất trong bối cảnh tập luyện trực tuyến.
Đối với giảng viên: Tự trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến. Ngoài ra, có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua online, qua nhóm Zalo, Messenger, Facebook, Email… Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho sinh viên như quay clip buổi tập,….
Giảng viên dành thời gian thiết lập các mối quan hệ, làm quen kết nối với sinh viên. Chuẩn bị các hoạt động dạy học cũng như các tài liệu, video clip với các hoạt động tổ chức dạy học vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học GDTC. Giảng viên luôn chủ động tương tác với sinh viên, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình học tập. Qua đó, tạo mối thân thiện giữa giảng viên và sinh viên, hướng dẫn sinh viên cần chậm hơn bình thường, tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho sinh viên vì nó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập.
Đối với sinh viên: Chuẩn bị tâm lý, tâm thế sẵn sàng, trang phục phù hợp, đúng yêu cầu chuyên môn khi tham gia học trực tuyến và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị học tập quan trọng nhất là điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng và các dụng cụ đơn giản theo yêu cầu của giảng viên.
Sinh viên chọn cho mình góc học tập, không gian yên tĩnh thoải mái phù hợp. Trong quá trình tập luyện cần chú ý lắng nghe, tham gia thảo luận và thực hiện theo đúng yêu cầu chỉ dẫn tập luyện do giảng viên đưa ra. Ngoài ra, sinh viên cần tạo nhóm học tập trên Zalo, Facebook để chia sẻ, giải đáp thắc mắc nội dung bài tập và tham gia tập luyện thêm ngoài giờ học, hướng đến thể thao suốt đời. Chú ý tắt một số tính năng trên thiết bị gây ảnh hưởng đến giờ học. Điều đó sẽ mang lại cho bản thân người học nhớ lâu hơn về kiến thức, và giúp thực hiện đúng bài tập, hình thành kỹ năng động tác nhanh hơn.
Cách dạy học trực tuyến GDTC chỉ có hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, giảng viên và sinh viên. Để hoạt động dạy học giáo dục thể chất thực sự chất lượng, trước mắt giảng viên và sinh viên phải thay đổi, thích nghi và tìm ra các cách dạy và học giáo dục thể chất trực tuyến hiệu quả, tối ưu nhất.
Mặc dù hình thức đào tạo trực tuyến còn hạn chế với nhiều khuyết điểm, nhưng với phương châm “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, những nỗ lực chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong giảng dạy đang dần được cơ sở đào tạo áp dụng và phát triển mạnh mẽ. Cùng với thời gian, phương thức này dần mang lại những hiệu quả tích cực và thể hiện được nhiều ưu điểm. Một số tiết dạy ở Trường CĐSP Lạng Sơn đã triển khai trực tuyến.
2.4.2. Đa dạng hóa các phương pháp, hình thức và phương tiện dạy học
Nguyên tắc dạy học trực tuyến là “đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả, nội dung dạy học GDTC theo quy định; phù hợp với kĩ năng của giảng viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, sinh viên”; không tạo ra áp lực đối với giảng viên và sinh viêntrong việc tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến.
Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của sinh viên và theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh, sinh viên. Việc đánh giá thường xuyên kết quả học tập GDTC có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Việc xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của sinh viên được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.
Hình thức dạy học từng bước chuyển mình, được chủ động lựa chọn nội dung phù hợp, xen kẽ các hình thức giảng dạy, sử dụng sáng tạo và hiệu quả các công cụ công nghệ giúp sinh viên không bị gián đoạn kế hoạch đào tạo. Áp lực đối với người dạy và người học dần được cải thiện thông qua các lớp tập huấn làm chủ công cụ, qua các đợt hướng dẫn cụ thể chi tiết cho giảng viên và sinh viên toàn trường, các giờ học đã đạt được hiệu quả mong muốn.
Các nhà trường đã tổ chức triển khai tập huấn cho các giảng viên về kỹ năng công nghệ thông tin và làm chủ các phần mềm hỗ trợ dạy học. Triển khai phân công nhiệm vụ cho các giảng viên soạn giáo án giảng dạy theo từng nhóm chuyên môn, các giảng viên theo nhóm chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ được phân công, từng bước làm quen và làm chủ các giờ dạy trực tuyến. Giáo án, bài giảng được giảng viên đầu tư biên soạn theo nhóm chuyên môn, sử dụng PowerPoint tạo các bản trình chiếu hấp dẫn người học. Các hình ảnh được chỉnh sửa công phu, làm rõ góc độ, trực quan, các clip được quay và chỉnh sửa rõ ràng giúp người học có thể tham khảo và tiếp cận với kiến thức kỹ thuật mới dễ dàng. Các bài tập được giảng viên hướng dẫn kỹ càng, quá trình tập được sửa sai, sinh viên tự tin tiếp cận với công nghệ và chủ động, tích cực tham gia luyện tập theo chỉ dẫn của giảng viên.
Thời gian học GDTC mỗi buổi được chia thành các phần phù hợp, sinh viên được tạo các quãng nghỉ thích hợp bằng hình thức tập luyện quay vòng theo nhóm. Các giảng viên tương tác, hỗ trợ sửa động tác sai cho sinh viên thông qua camera, sinh viên không bị mệt mỏi và tránh được các sai lầm khi tập luyện, thuận lợi tiếp thu kỹ thuật động tác mới. Đưa giờ học GDTC mặc định là không thể học trực tuyến sang một trang mới, chuyển đổi hình thức giảng dạy linh hoạt và hiệu quả.
Ngoài tập luyện trong giờ trên lớp, sinh viên được các giảng viên hướng dẫn thực hiện các buổi tập luyện thêm ở nhà, quay clip bài tập hướng đến mục đích của giáo dục thể chất, giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của giáo dục thể chất, từng bước giúp sinh viên có kiến thức về phương pháp và nguyên tắc giáo dục thể chất, phòng tránh chấn thương khi tham gia tập luyện thể thao hướng đến thể thao suốt đời.
3. Kết luận và đề xuất
Việc chuyển đổi sang hình thức giảng dạy trực tuyến GDTC trở thành cấp thiết và là yêu cầu bắt buộc đối ngành giáo dục, trở thành một xu thế tất yếu không thể thay đổi nhằm đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên trong thời kỳ mới. Để giảng dạy trực tuyến GDTC thực sự hiệu quả, từng bước có thể kết hợp hoặc thay thế cho hình thức dạy học trực tiếp ở một số học phần có nội dung và yêu cầu điều kiện phù hợp, cần rất nhiều sự thay đổi:
Một là, đổi mới tư duy từ cấp lãnh đạo đến cán bộ, giảng viên các nhà trường về tổ chức dạy học trực tuyến không chỉ đáp ứng trong tình hình dịch bệnh mà là xu thế chung để hướng đến đào tạo trực tuyến.
Hai là, nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo công tác giảng dạy như các thiết bị thiết yếu như máy vi tính, đường truyền mạng,… cũng như điều kiện học tập của học sinh, sinh viên.
Ba là, xây dựng kho tài nguyên số cho bộ môn cũng như liên kết để sử dụng kho học liệu dùng chung.
Bốn là, quan tâm đến nhu cầu người học GDTC, lựa chọn và sử dụng phương thức học tập. Bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là năng lực số cho sinh viên trong học tập.
Năm là, tăng cường công tác quản trị chất lượng đào tạo bằng các hình thức sử dụng những phần mềm công nghệ tiên tiến như LMS (Learning Management System).
Sáu là, thường xuyên mở thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng trình độ tin học và khả năng áp dụng công nghệ cho đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nói chung và dạy học trực tuyến nói riêng./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vân Anh (2022), Để giờ học giáo dục thể chất trực tuyến hứng thú sáng tạo, Báo Giáo dục và Thời đại.
2. Hà Quang Ánh, Đàm Xuân (2016), Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục thể chất trong trường Đại học Đồng Nai, Tạp chí khoa học Đại học Đồng Nai, 3, 114.
3. Văn Đình Cường (2020), Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho sinh viên các trường Đại học tại thành phố Vinh, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Bắc Ninh.
4. Minh Phong (2021), Giáo dục thể chất và Huấn luyện thể thao trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Báo Giáo dục và Thời đại.
5. Nguyễn Thành Tấn (2021), Tạo hứng thú khi dạy học thể dục online, Báo Giáo dục và Thời đại.
6. Lê Vân (2021), Để giờ thể dục online thực sự hiệu quả, Báo tin tức Thông tấn xã Việt Nam.