Thứ Ba, 16/04/2024
32.9 C
Lạng Sơn

[GDVN] Trường cao đẳng sư phạm khó tồn tại nếu chỉ đào tạo một ngành duy nhất

GDVN- Một trường cao đẳng khó tồn tại nếu chỉ đào tạo một ngành duy nhất. Do đó, một số trường cao đẳng sư phạm chủ động, nghiên cứu, đề xuất hướng đi riêng.

Chiều ngày 23/3, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo “Mục tiêu, sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm trong giai đoạn hiện nay”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và lãnh đạo 19 trường cao đẳng sư phạm trong cả nước.

Hội thảo Mục tiêu, sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm trong giai đoạn hiện nay (Ảnh: BTC)

Ngoài ra, dự hội thảo còn có ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn.

Đoàn chủ tọa bao gồm: Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm – Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Phùng Quý sơn – Hiệu trường Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn; Thạc sĩ Trần Ngọc Hiển – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng trường Sư phạm Nam Định.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Phùng Quý Sơn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn khẳng định mục tiêu, sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm hiện đang là vấn đề cấp thiết.

Tiến sĩ Phùng Quý Sơn khái quát tình hình hoạt động, phát triển của nhà trường, những khó khăn, thách thức của các trường cao đẳng sư phạm nói chung trong bối cảnh các quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút giáo viên có sự thay đổi. Sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đã tạo cho các trường cao đẳng sư phạm nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

“Một trường cao đẳng khó tồn tại nếu chỉ đào tạo một ngành duy nhất. Trước tình hình đó, một số trường cao đẳng sư phạm chủ động, nghiên cứu, đề xuất một số hướng đi riêng. Hướng thứ nhất, phát triển thành trường cao đẳng đào tạo đa ngành. Hướng thứ hai, trở thành phân hiệu của một trường đại học. Hướng thứ ba, hầu hết các trường còn lại cố gắng phát huy thế mạnh, bổ sung mã ngành đào tạo thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đổi mới tuyển sinh…”, Tiến sĩ Phùng Quý Sơn cho biết.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề như sắp xếp tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm; mục tiêu, sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm sau khi các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực và điều kiện cơ chế chính sách thực hiện mục tiêu, sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm và thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực thực hiện công tác tuyển sinh, bồi dưỡng của các trường cao đẳng sư phạm trong bối cảnh hiện nay.

Trình bày tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Anh Đức – Trưởng Khoa Bồi dưỡng và liên kết đào tạo – Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa Vũng Tàu tham luận với chủ đề “Xây dựng sứ mạng và tầm nhìn các trường cao đẳng sư phạm”.

Theo đó, hiện nay, hầu hết các trường cao đẳng sư phạm đã công bố sứ mạng và tầm nhìn trên trang thông tin điện tử của nhà trường. Thông qua trang thông tin điện tử này tìm thấy 16/22 trường công bố sứ mạng, tầm nhìn, phần lớn các trường cũng công bố mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, chỉ có 6 trường công bố giá trị cốt lõi.

“Hầu hết các trường địa phương luôn nhấn mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trong khi hiện nay chỉ đào tạo duy nhất ngành giáo dục mầm non và nhiều ngành giáo dục nghề nghiệp. Điều đó cho thấy, việc công bố sứ mạng nhiều trường chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn của trường.

Nhiều trường chưa ấn định rõ thời gian nào sẽ phát triển thành cơ sở giáo dục đại học hoặc trường đại học mà chỉ nói chung chung phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học hoặc trường đại học. Một số trường phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Nội dung các trường công bố khác nhau, một số trường công bố giá trị cốt lõi tương đối dài, chưa thể hiện rõ giá trị cốt lõi của nhà trường”, Tiến sĩ Trần Anh Đức cho biết.

Tiến sĩ Trần Anh Đức kiến nghị: Một là, các trường cần công bố lại sứ mạng và tầm nhìn phù hợp với thực tiễn của nhà trường và Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT.

Hai là, phải xác định rõ mục tiêu phấn đấu của nhà trường, trong đó chỉ rõ đến năm nào sẽ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hoặc trở thành cơ sở đại học hoặc trường đại học.

Ba là, khi xây dựng sứ mạng, tầm nhìn phải tham vấn ý kiến rộng rãi.

Bốn là, cần phải ưu tiên, hỗ trợ để thực hiện tầm nhìn, phải xây dựng cơ chế để thực hiện tầm nhìn đó.

Năm là, ngoài sứ mạng và tầm nhìn, các trường cần công bố giá trị cốt lõi cũng như mục tiêu của trường trong từng giai đoạn cụ thể.

Cũng tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thế Dương – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tham luận về “Đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đa ngành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội”.

“Trước bối cảnh mới cùng với sự thay đổi của cả hệ thống trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo, bên cạnh những cơ hội là những khó khăn và thách thức đi cùng với sự thay đổi về cơ chế chính sách, sự cạnh tranh nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo và bồi dưỡng chất lượng hơn cho thị trường lao động”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo điều kiện cho các trường cao đẳng địa phương phối hợp với các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở. Phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, chẳng hạn theo phương thức đào tạo 3+1 (3 năm đào tạo ở trường cao đẳng sư phạm địa phương và 1 năm đào tạo ở trường đại học sư phạm trọng điểm). Xây dựng, triển khai và hướng dẫn thực hiện Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; giao nhiệm vụ này cho các trường cao đẳng sư phạm.

“Mong Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ chế chính sách để định hướng và phát triển các trường cao đẳng sư phạm địa phương phù hợp với Quyết định 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 20212030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực tiễn giáo dục của các địa phương.

Tạo điều kiện cho các trường cao đẳng sư phạm địa phương được học tập, trao đổi về định hướng phát triển nhà trường nói chung, công tác đào tạo và bồi dưỡng đa ngành nói riêng”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương mong muốn.

Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh khẳng định hội thảo có ý nghĩa quan trọng, thu hút tham gia của 19 trường cao đẳng sư phạm. Hội nghị đã nghe 6 tham luận và 2 ý kiến phát biểu.

Các ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân trước và trong hội nghị thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các trường.

“Công tác đào tạo bồi dưỡng tại trường cao đẳng sư phạm đã có nhận thức sâu sắc, xác định là nhiệm vụ chính trị cốt lõi, niềm tin vào sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm.

Ngoài nỗ lực tự thân của trường cao đẳng sư phạm thì cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến chính quyền địa phương”, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh nói.

Ngọc Mai
Bài gốc (GDVN)