Thứ hai, 16/09/2024
25.5 C
Lạng Sơn

Sinh hoạt chuyên môn “Phát triển năng lực liên văn hóa trong các lớp học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục ở châu Á”

Tại Việt Nam, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau đã trở thành một kỹ năng quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy, việc phát triển năng lực giao tiếp liên văn hoá cho người học tiếng Anh ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về sự khác biệt văn hóa từ đó xây dựng thái độ và hành vi phù hợp khi giao tiếp với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau đã trở thành một trong những mục tiêu chính trong giảng dạy tiếng Anh.
Với mong muốn học tập và trao đổi kinh nghiệm với các giảng viên giảng dạy tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục khác nhau trong khu vực châu Á, ngày 22 tháng 12 năm 2022, tổ Tiếng Anh, khoa Ngoại ngữ đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến với chủ đề “Phát triển năng lực liên văn hóa trong các lớp học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục ở châu Á”.
Buổi sinh hoạt chuyên môn có sự tham gia của các giảng viên của tổ Tiếng Anh và giáo sư Sumera Umrann của đại học Michigan, Hoa Kỳ.
Trong buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo sư Sumera đã trình bày tóm tắt các nghiên cứu về việc phát triển năng lực giao tiếp liên văn hoá cho người học tiếng Anh tại châu Á, trong đó nhấn mạnh các giảng viên phải hiểu rõ bản chất của năng lực giao tiếp, năng lực giao tiếp liên văn hoá, đặc biệt là vai trò của năng lực giao tiếp liên văn hoá trong dạy và học ngoại ngữ. Giáo sư Sumera cũng giới thiệu và đề xuất một số hoạt động tích hợp giữa ngôn ngữ và văn hóa, giảng dạy ngôn ngữ liên văn hóa trong các lớp học tiếng Anh tại châu Á, cụ thể như sau:
Một là, tạo môi trường văn hóa: giảng viên có thể tạo ra một môi trường văn hóa trong lớp học bằng cách yêu cầu sinh viên chuẩn bị áp phích, hình ảnh hoặc thậm chí các tài liệu xác thực liên quan đến các vấn đề văn hóa. Ví dụ: trong một lớp nói, khi giảng viên giới thiệu cho sinh viên nói về chủ đề “Năm mới”, giảng viên có thể yêu cầu các em chuẩn bị một số hình ảnh hoặc video về phong tục đón năm mới ở một số quốc gia trên thế giới và so sánh với các phong tục, truyền thống của Việt Nam.
Hai là, tài liệu xác thực: sử dụng các nguồn xác thực từ cộng đồng ngôn ngữ bản địa (phim, video ngắn, hình ảnh, tạp chí, chương trình truyền hình) giúp thu hút sinh viên vào các trải nghiệm văn hóa đích thực. Nguồn có thể bao gồm phim, chương trình phát sóng tin tức và chương trình truyền hình; trang web; hình ảnh, tạp chí, báo, thực đơn nhà hàng, tài liệu quảng cáo du lịch và các tài liệu in khác.
Ba là, đóng vai: trong hoạt động này, sinh viên tham gia vào các bộ phim trong đó xảy ra tình huống giao tiếp sai lệch. Sau đó, vấn đề được thảo luận bởi lớp và đưa ra một giải pháp thích hợp.
Bốn là, dạy học kết nối: tận dụng sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự sẵn có mạng Internet, giảng viên dạy ngoại ngữ có thể kết nối lớp học của mình với lớp học của các giảng viên và người học tại các trường đại học trong khu vực và trên thế giới để tạo cơ hội cho sinh viên trao đổi kiến thức liên văn hoá.
Các giảng viên của khoa Ngoại ngữ đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy các bài học có yếu tố văn hoá và các phương pháp đang được áp dụng trong việc giảng dạy ngôn ngữ liên văn hoá. Các giảng viên nhận định giảng dạy tích hợp ngôn ngữ và các yếu tố liên quan đến văn hoá đóng vai trò quan trọng trong các lớp học ngoại ngữ vì phần lớn sinh viên có trình độ ngôn ngữ không đồng đều và đến từ các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau với sự khác biệt trong văn hoá và giáo dục ở trong tỉnh. Việc giảng dạy tiếng Anh gắn với phát triển năng lực giao tiếp liên văn hoá cần được thực hiện thường xuyên và theo lộ trình để đạt được kết quả tốt. Các giảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp với sinh viên.
Buổi sinh hoạt chuyên môn rất thiết thực, bổ ích giúp các giảng viên hiểu rõ hơn về năng lực giao tiếp liên văn hoá, các mô hình, chiến lược dạy học có thể áp dụng tại lớp học ngoại ngữ để phát triển năng lực giao tiếp cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên môn:

Giáo sư Sumera trình bày tóm tắt các nghiên cứu về phát triển năng lực liên văn hoá trong lớp học ngoại ngữ


Giảng viên Tiếng Anh Trường CĐSP Lạng Sơn trao đổi với giáo sư Sumera về việc giảng dạy các yếu tố văn hoá tại Nhà trường