Chủ Nhật, 28/04/2024
24.6 C
Lạng Sơn

Sử dụng đồng dao trong tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo

ThS. ĐỖ THỊ XUYẾN
Khoa Đào tạo giáo viên
Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Tóm tắt: Đồng dao là một thể loại thơ dân gian dành cho trẻ em có nội dung và hình thức phù hợp với trẻ, thường do trẻ em đọc khi vui chơi trong các trò chơi dân gian. Lời đồng dao có vần điệu, mộc mạc làm tốt chức năng biểu đạt, giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, sự phối hợp tập thể và đoàn kết trong chơi… Đồng dao không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi cho trẻ mà còn đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chức năng giáo dục trẻ như: giáo dục nhận thức, đức, trí, thể, mỹ; luyện phát âm, cung cấp vốn từ; bồi dưỡng tình cảm; giữ nhịp cho thao tác chơi…

Bài viết đề cập đến việc sử dụng đồng dao trong tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo.
Từ khóa: Đồng dao, trò chơi dân gian, trẻ mẫu giáo,…

1. Đặt vấn đề
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi khoa học công nghệ thông tin bùng nổ, kỹ thuật điện tử xâm nhập đến từng mái trư¬ờng, từng gia đình, từng trẻ em. Bên cạnh những lợi ích của nó đem lại ứng dụng thiết thực hiệu quả trong cuộc sống, nhưng cũng còn mặt trái của nó đang ảnh hư¬ởng không mấy tích cực đến sự hình thành và phát triển của trẻ em. Trên thực tế không ít những người lớn và cả trẻ em ngày ngày chăm chú vào màn hình với những trò chơi điện tử hay xem phim đến mức quên cả ăn, thậm chí còn là nguyên nhân gây mắc bệnh tự kỉ, tăng động, rối loạn tâm lý…. khiến cho không ít gia đình phải lo ngại.
Có lẽ cuộc sống bận rộn cuốn hút nên hầu như¬ mọi người đã bị lãng quên một phư¬ơng pháp giáo dục nhàng nhưng đầy hiệu quả mà chúng ta ai cũng biết ít nhiều từ thủa nhỏ: đó là đọc các bài thơ, lời đồng dao gắn với những trò chơi dân gian như: Đánh chuyền; Rồng rắn lên mây; Lộn cầu vồng, Thả đỉa ba ba… Những trò chơi này rất vui, dễ chơi, đồ chơi lại đơn giản, dễ tìm kiếm gắn với những lời đồng dao giản dị mộc mạc gần gũi dễ nhớ dễ thuộc nên được nhiều trẻ em ưa thích như: “Nu na nu nống/ Cái cóng nằm trong/ Con ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Phật ngồi phật khóc/ Con cóc nhảy ra; Con gà ú ụ/ Nhà mụ thổi xôi/ Nhà tôi nấu chè…”
Có lẽ nhờ những lời đồng dao vần điệu đó mà tạo nên cái hồn, sức hút kỳ diệu trong các trò chơi dân gian, chính vì thế trò chơi dân gian không thể thiếu được những lời đồng dao. Lời đồng dao, bên cạnh cách nói vần, mộc mạc còn làm tốt chức năng biểu đạt, giáo dục nhận thức, bồi d¬ưỡng tình cảm, sự phối hợp tập thể và đoàn kết trong khi chơi… Vì vậy, các bài đồng dao là hình thức giáo dục trẻ thơ một cách nhẹ nhàng, gần gũi, thân thiện theo kiểu “vừa học, vừa chơi” thật vui, lành mạnh, bổ ích, lý thú và còn có tác dụng phát triển thể chất cho trẻ.
Nhận thức đ¬ược tầm quan trọng của vấn đề này, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ dạy học hiện đại , mỗi giáo viên cần suy nghĩ, sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục trẻ dựa trên những t¬ài liệu bài đồng dao sẵn có trong kho tàng văn hóa dân tộc để sử dụng đồng dao trong tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo một cách hiệu quả.
2. NỘI DUNG
2.1. Vài nét về đồng dao và trò chơi dân gian đối với trẻ em
2.1.1. Đồng dao đối với trẻ thơ
Khái niệm về đồng dao: Đồng dao là một thể loại thơ dân gian dành cho trẻ em. Đó là những câu thơ có nội dung và hình thức phù hợp với trẻ, thường do trẻ em đọc khi vui chơi. [2, tr. 4].
Đặc trưng của đồng dao: Đồng dao là một trong những tiểu loại của bài ca dân gian, do vậy nó mang những đặc trưng của tác phẩm văn học dân gian như: Tính tập thể, tính nguyên hợp, tính truyền miệng… Ngoài ra nó còn mang những đặc điểm riêng biệt vì đây là loại thơ của trẻ em. Trẻ nhỏ thường có tâm hồn trong sáng, bay bổng, giàu tưởng tượng, giàu cảm xúc, ham hoạt động, thích vui chơi có bầu bạn… Tác phẩm đồng dao thỏa mãn được nhu cầu này của các em.
Ngôn từ, kết cấu của đồng dao đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc với trẻ. Các bài đồng dao thường được viết bằng thể thơ 3 tiếng, 4 tiếng hoặc lục bát. Cách ngắt nhịp 2/3, sử dụng vần chân, vần bằng xen kẽ tạo cho thể loại này cách nói phù hợp với trẻ.
Đồng dao đ¬ược truyền từ đời này tiếp đời nọ, vùng này qua vùng kia, có khi bị thay đổi, sai lạc, thất truyền, lãng quên. Đồng dao đ¬ược thực hiện trong một quá trình lâu dài bao gồm: sáng tác – lư¬u truyền – sử dụng – điều chỉnh. Chủ thể sáng tạo, sử dụng, l¬ưu truyền và tái tạo các bài đồng dao này chủ yếu là trẻ em. Đồng dao tập trung vào đề tài thiên nhiên và phản ánh trong trạng thái hoạt động gắn bó với đời sống trẻ thơ. Đồng dao đư¬ợc chia làm hai loại gắn với công việc và gắn với trò chơi của trẻ em. Các trò chơi dân gian phần lớn đều gắn với lời các bài đồng dao. [2, tr. 6].
Ý nghĩa của đồng dao với giáo dục trẻ em: Đồng dao không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi cho trẻ mà còn đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chức năng giáo dục trẻ như: giáo dục nhận thức, đức, trí, thể, mỹ; luyện phát âm, cung cấp vốn từ; bồi dư¬ỡng tình cảm; giữ nhịp cho thao tác chơi… Đồng dao có vai trò rất lớn trong vui chơi trẻ em, thiếu nó thì trò chơi sẽ tẻ nhạt, vô vị. [2, tr. 7].
2.1.2. Trò chơi dân gian dành cho trẻ em
Trò chơi dân gian trẻ em là một loại hoạt động văn hóa dân gian dành cho trẻ em được lưu truyền từ vùng này sang vùng khác, từ đời này sang đời khác nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí và giáo dục trẻ em một cách tinh tế và nhẹ nhàng. [4, tr. 11].
Đặc điểm của trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam:
Trò chơi dân gian thường đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập, trong lớp học hay thôn xóm, ngõ phố: Ô ăn quan, Rải gianh, Đánh chuyền, Đánh chắt… Chỗ rộng hơn có thể chơi Bịt mắt bắt dê, Rồng rắn lên mây, Trốn tìm…
Vật liệu để chơi đơn giản, dễ tìm trong thiên nhiên: que tre chơi chuyền, hòn sỏi chơi ô ăn quan, đoạn cây, đoạn tre làm con khăng,… Trò chơi dân gian gắn bó  hòa quyện chặt chẽ với thiên nhiên, con người Việt nam.
Hầu hết trò chơi dân gian trẻ em đều gắn liền với những bài đồng dao. Đó là những câu nói ngắn gọn, có nhịp điệu, âm thanh dễ thuộc, dễ nhớ. Logic của đồng dao chính là logic của trò chơi, có thể không theo logic hiện thực mà nhảy cóc. Không ai có thể giải thích được nhiều câu trong các lời đồng dao: Chi chi chành chành/ cái đanh thổi lửa… là thế nào? Hoặc tại sao cái cóng nằm trong/ con ong nằm ngoài/ củ khoai chấm mật/ phật ngồi phật khóc/ con cóc nhảy ra… nhưng chính cái lỗi nhảy cóc đó mới hấp dẫn trẻ, lời đồng dao còn chứa đựng nội dung giáo dục những điều hay, lẽ phải một cách tinh tế, nhẹ nhàng, thoải mái.
Trò chơi dân gian trẻ em được sáng tác phần lớn dựa trên mô phỏng bắt chước hoạt động của người lớn và hiện thực cuộc sống lao động, khó tìm ra được tác giả, ngày tháng năm ra đời của chúng. Chúng vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi cuộc sống thay đổi trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, những trò chơi Bịt mắt bắt dê, Rồng rắn lên mây, Chơi chuyền, Ô ăn quan, Trốn tìm… vẫn còn tồn tại được trẻ em thích thú say mê nếu như đã từng được chơi. [2, tr. 9].
Ý nghĩa của trò chơi dân gian đối với trẻ em:
Trò chơi dân gian tác động mạnh mẽ đến trẻ, nó là phương tiện giáo dục toàn diện nhân cách trẻ. Trò chơi dân gian cung cấp cho trẻ những kiến thức xã hội cần thiết, trẻ được làm quen với nghề nghiệp, các công việc trong xã hội… Trong khi chơi trẻ tiếp thu được những điều hay, lẽ phải, rèn những thói quen cần thiết trong cuộc sống.
Trò chơi dân gian là phương tiện giáo dục thái độ đúng đắn trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.
Trò chơi dân gian giúp trí tưởng tượng ở trẻ phát triển, lời các bài đồng dao giúp trẻ có thể trò chuyện với cỏ, cây, hoa lá, các đồ vật xung quanh. Khi chơi trẻ còn biết đóng vai này, vai kia, tưởng tượng điều này, điều khác…
Ngoài ra trò chơi dân gian là phương tiện phát triển ngôn ngữ có hiệu quả,. Khi tham gia chơi trẻ được ca hát, nhảy múa, đối đáp… Qua đó vốn từ của trẻ phong phú, ngôn ngữ mạch lạc.
Trò chơi dân gian là phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ một cách hiệu quả. Khi tham gia chơi trò chơi, các vận động cơ bản của trẻ được rèn luyện, nhờ đó trẻ trở lên nhanh nhẹn, khéo léo hoạt bát trong hoạt động.
Trò chơi dân gian còn có ý nghĩa trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Quan sát thấy các trò chơi được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần mà trẻ vẫn không thấy chán, vì vậy các kỹ năng được thành thạo, ấn tượng, biểu tượng về thực tiễn cuộc sống được củng cố vững chắc.
Trò chơi dân gian góp phần hình thành nên nhân cách văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt nam. Vì thế trong xã hội ngày nay, bên cạnh những trò chơi hiện đại cần có những trò chơi dân gian truyền thống. Nó chính là sự tiếp nối các giá trị văn hóa dân tộc từ đó góp phần tạo dựng nên nhân cách văn hóa dân tộc cho trẻ em. [5, tr. 16].
2.2. Sử dụng đồng dao trong tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ em mẫu giáo
2.2.1. Sưu tầm, lựa chọn lời đồng dao gắn với trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi của trẻ mẫu giáo
Bằng cách gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với những người ở địa phương hoặc ở nơi khác, nguồn tài liệu được lưu giữ chủ yếu là truyền miệng, trên mạng hoặc được in ấn, sao chép để lại để tìm những bài đồng dao và các trò chơi dân gian…
Vì có rất nhiều trò chơi dân gian nên sau khi sưu tầm được, nên cần biết lựa chọn những trò chơi dân gian có gắn lời đồng dao phù hợp với trẻ mẫu giáo, cần chú ý một số yêu cầu sau:
– Lời đồng dao có nội dung về các sự  vật hiện tượng gần gũi với trẻ, hoặc các hoạt động lao động đơn giản của con người…; Lời đồng dao cần gắn với chủ điểm giáo dục trẻ.
– Lời đồng dao có vần dễ nhớ, dễ thuộc.
– Lời đồng dao và trò chơi cần giúp trẻ phát triển tư duy, ngôn ngữ, vận động, kỹ năng chơi.
– Trò chơi không quá phức tạp; Đồ dùng để chơi dễ kiếm, dễ tìm; Trò chơi cần gây được hứng thú và sự chú ý của trẻ, có sự tham gia của nhóm trẻ hoặc tập thể lớp.
 2.2.2. Dựa trên lời cũ sáng tác lời mới theo chủ điểm giáo dục mầm non hiện nay
Tất cả các hoạt động ở trường mầm non hiện nay đều thực hiện theo 9 chủ điểm, chủ đề đó là: Trường mầm non;  Bản thân; Gia đình; Nghề nghiệp; Động vật; Thực vật; Giao thông; Hiện tượng tự nhiên; Quê hương đất nước.
Vì vậy sau khi đã sưu tầm, tìm kiếm được các trò chơi dân gian có lời đồng dao, có thể dựa trên lời cũ, sáng tác lời mới có vần, nhịp điệu theo chủ điểm chương trình giáo dục mầm non. Ví dụ bài “Nu na nu nống” sau khi sưu tầm, sẽ viết lời mới theo chủ điểm thực vật: trẻ được biết nhiều loại cây, loại hoa trong lời đồng dao mới (lời 4). Hoặc chủ điểm bản thân: biết giữ gìn vệ sinh tay, chân sạch sẽ (lời 5). Bài “Dung dăng dung dẻ”: lời 4 sáng tác theo chủ điểm giao thông giúp trẻ biết luật đi trên đường, lời 5 theo chủ điểm quê hương đất nước, trẻ được biết tên các địa danh của quê hương mình: nàng Tô Thị, thành nhà Mạc, chùa Tam thanh… Trẻ được đọc lời mới khi chơi trò chơi vừa có tác dụng giáo dục, vừa chơi không bị nhàm chán. (minh họa cụ sáng tác lời đồng dao mới ở mục sử dụng đồng dao sau đây)
2.2.3. Sử dụng đồng dao để tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo
Đồng dao có thể sử dụng rộng rãi có thể đọc hoặc chơi ở mọi lúc, mọi nơi, trong khi tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo. Các bài đồng dao khiến trò chơi vui vẻ, nhộn nhịp mặc dù không phải câu nào cũng có ý nghĩa song nó phù hợp với tư duy hồn nhiên của trẻ, thiếu nó trò chơi sẽ tẻ nhạt.
Vì vậy sau khi đã sáng tác lời mới dựa theo chủ điểm giáo dục, giáo viên cần dạy trẻ theo các bước sau:
– Dạy trẻ đọc thuộc lời đồng dao cũ và mới.
– Hướng dẫn luật chơi, ghép các lời đồng dao với trò chơi.
– Chuẩn bị địa điểm tổ chức chơi phù hợp với hoạt động.
Ví dụ: Hoạt động ngoài trời không gian thoáng mát chơi trò chơi vận động nhằm phát triển thể lực như: Thả đỉa ba ba; Rồng rắn lên mây, Mèo đuổi chuột, Bịt mắt bắt dê, Dung dăng dung dẻ…
Hoạt động góc: Chỗ chơi trong góc hạn chế nên có thể chơi trò chơi vận động nhẹ nhàng: Chơi Kéo cưa lừa xẻ, Chi chi chành chành, Nu na nu nống, Lộn cầu vồng,…
Hoạt động chuyển tiếp hoặc hoạt động chiều diễn ra ở trong phòng có thể chơi các trò chơi vận động ít nhưng có tác dụng phát triển tư duy, ngôn ngữ, trí tuệ cho trẻ: Tập tầm vông, Chơi chuyền, Chơi cờ, Ô ăn quan…
– Tổ chức cho trẻ chơi (cô có thể chơi cùng với trẻ).
Sau đây là minh họa một số bài đồng dao sưu tầm được, sáng tác lời mới dựa theo chủ điểm giáo dục và cách tổ chức trò chơi:
                                      Trò chơi: Nu na nu nống
* Mục đích giáo dục 
– Cho trẻ làm quen với âm điệu của đồng dao; Phát triển ngôn ngữ và thoả mãn nhu cầu vui chơi của trẻ.
– Cung cấp thêm kiến thức về thế giới thực vật cho trẻ (lời 4, chủ điểm thực vật).
– Biết giữ gìn vệ sinh thân thể (lời 5, chủ điểm bản thân)
* Cách chơi: Cho trẻ ngồi hàng ngang, duỗi chân ra, người điều khiển trò chơi đọc bài đồng dao. Mỗi từ đập nhẹ vào một chân, đập từ đầu theo thứ tự đến cuối cùng, rồi lại quay ngược lại cho đến chữ “rụt”, chân nào chúng từ rụt thì co lại. Cứ thế cho đến khi các chân co lại hết, lại bắt đầu từ đầu.
Lời 1: Nu na nu nống (Sưu tầm)
Nu na nu nống
Cái cóng nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Te he chân rụt.
Lời 2: Nu na nu nống  (Sưu tầm)
Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở cuộc thi đua
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống.
Lời 4: Nu na nu nống (Lời mới)
Nu na nu nống
Trồng đậu trồng cà
Hoe hoe hoa khế
Khế ngọt, khế chua
Cột đình cột chùa
Hai tay ôm cột
Cây cam cây quýt
Cây mít cây hồng
Cành đa cành nhãn
Có chân thì rụt…
Lời 5: Nu na nu nống (Lời mới)
Nu na nu nống
Một hồ nước trong
Sao không rửa tay
Sao không rửa chân
Cho trắng cho xinh
Thi tay ai sạch
Thi chân ai đẹp
Xem ai sạch sẽ
Mới là bé khỏe
Mới là bé ngoan
                                      Trò chơi: Dung dăng dung dẻ
*Mục đích giáo dục
– Phát triển ngôn ngữ, mở rộng vốn từ và củng cố vận động đi cho trẻ.
– Dạy trẻ biết luật giao thông khi đi ra đường (lời 3, chủ điểm giao thông).
– Giúp trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, đất nước (lời 4)
* Cách chơi: Trẻ cùng nắm tay nhau, vừa đi vừa đung đưa theo nhịp bài đồng dao. Đến câu “ngồi thụp xuống đây” hay “lâu lâu lại ngồi” thì tất cả đang đi cùng ngồi xổm một lát, rồi lại đứng dậy vừa đi vừa đọc tiếp bài đồng dao.
Lời 1: Dung dăng dung dẻ (Sưu tầm)
Dắt trẻ đi chơi
Đến cổng nhà trời
Tìm nơi gió mát
Cùng hát véo von
Mời ông trăng tròn
Xuống chơi với bé
Xì xà xì xụp
Ngồi thụp xuống đây.
Lời 2: Dung dăng dung dẻ (Sưu tầm)
Dắt trẻ đi chơi
Lạy cậu, lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Xì xà xì xụp
Ngồi thụp xuống đây

Lời 4:  Dung dăng dung dẻ (Lời mới)
Dắt trẻ đi chơi
Đến hỏi ông trời
Xin vài cái bánh
Gặp xe thì tránh
Đèn xanh thì đi
Đèn đỏ thì chờ
Đèn vàng chuẩn bị
Đi bên phải nhé
Đội mũ trên đầu
Đi chậm đi mau
Ta đi cùng nhau
Lâu lâu lại ngồi.
Lời 5:  Dung dăng dung dẻ (Lời mới)
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Những buổi đẹp trời
Thăm nàng Tô Thị
Lên núi Mẫu sơn
Vào chùa Tam thanh
Đến thành nhà Mạc
Ta cùng múa hát
Ta cùng vui chơi
Đến cổng nhà trời
Xì xà xì xụp
Ngồi thụp xuống đây.
                                          Trò chơi : Chi chi chành chành
* Mục đích giáo dục
– Luyện tập cho trẻ có tính phản xạ, cử động nhanh nhẹn.
– Cung cấp thêm kiến thức về thế giới động vật cho trẻ (lời 4, chủ điểm động vật).
– Phát triển ngôn ngữ và thoả mãn nhu cầu vui chơi của trẻ.
* Cách chơi: Khoảng 3 – 4 trẻ một nhóm. Một trẻ làm “cái” xoè bàn tay ra. Các trẻ khác đặt ngón tay trỏ vào lòng bàn tay trẻ làm “cái”. Trẻ làm “cái” vừa gõ ngón tay vừa đọc theo nhịp bài đồng dao. Đến câu cuối cùng, trẻ làm “cái” nắm tay vào để bắt các ngón tay của các bạn. Các bạn phải rút nhanh ngón tay khỏi bàn tay của trẻ làm “cái”. Ai bị “cái” bắt ngón tay thì xoè bàn tay ra, đọc theo nhịp bài đồng dao trên cho các bạn chơi tiếp.
Lời 1: Chi chi chành chành (Sưu tầm)
Chi chi chành chành
Cái đanh nổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập

Lời 2: Chi chi chành chành (Sưu tầm)
Chi chi chành chành
Thi nhanh thi khéo
Bạn nào múa dẻo
Bạn nào hát hay
Mau mau lại đây
Ù à ù ập
Lời 3: Chi chi chành chành (Lời mới)
Chi chi chành chành
Nhớ rút cho nhanh
Tay xoè ngón đặt
Miệng đặt mắt nhìn
Đi trốn đi tìm
Ù à ù ập!

Lời4: Chi chi chành chành (Lời mới)
Chi chi chành chành
Chim oanh học nói
Khỉ già múa rối
Chó sói đuổi bò
Rùa nhảy khỏi hồ
Bắt cò ăn thịt
Sáo nằm gốc mít
Khóc mẹ hu hu
Ù à ù ập !
                                                Trò chơi: Kéo cưa lừa xẻ
* Mục đích giáo dục 
– Cho trẻ làm quen với âm điệu của đồng dao. Phát triển ngôn ngữ và thoả mãn nhu cầu vui chơi của trẻ.
– Giáo dục trẻ đức tính chăm chỉ lao động (chủ điểm nghề nghiệp).
* Cách chơi: Hai trẻ ngồi đối diện nhau, cả hai duỗi chân ra và đạp hai bàn chân vào nhau, hai tay nắm lấy nhau, cùng  nhau vừa đẩy qua đẩy lại vừa đọc bài đồng dao.
Lời 1: Kéo cưa lừa xẻ (Sưu tầm)
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ
Lời 2:  Kéo cưa lừa kít  (Sưu tầm)
Kéo cưa lừa kít
Làm ít ăn nhiều
Nằm đâu ngủ đấy
Nó lấy mất cưa
Lấy gì mà kéo! Lời 3: Kéo cưa lừa xẻ (Lời mới)
Kéo cưa lừa xẻ
Bé ngoan bé khoẻ
Nhớ chăm học hành
Học nhanh học giỏi
Sẽ giành điểm mười.
Lời 4: Kéo cưa lừa xẻ  (Lời mới)
Ông thợ nào khỏe
Kéo gỗ trên rừng
Đừng lười đừng nhác
Lấy gì mà ăn.
                                              Trò chơi: Lộn cầu vồng
* Mục đích giáo dục 
– Cho trẻ làm quen với âm điệu của đồng dao; Phát triển ngôn ngữ và thỏa mãn nhu cầu vui chơi của trẻ.
– Giáo dục trẻ tình cảm chị em (chủ điểm gia đình). Giáo dục thẩm mỹ qua vẻ đẹp, màu sắc của cầu vồng, hiện tượng cầu vồng mọc (chủ điểm hiện tượng thiên nhiên).
* Cách chơi: Từng đôi một đứng cầm tay nhau vừa đọc lời thơ vừa vung tay sang hai bên theo nhịp, cứ mỗi tiếng vung tay sang một bên. Đọc đến tiếng cuối cùng thì cả hai cùng chui qua tay về một phía, quay lưng vào nhau, tay vẫn nắm chặt rồi hạ xuống dưới, tiếp tục đọc, vừa đọc vừa vung tay như lần trước, đến tiếng cuối cùng thì lại chui qua tay lộn trở về tư thế ban đầu.
Lời 1: Lộn cầu vồng (Sưu tầm)
Lộn cầu vồng
Nước trong nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta
Ra lộn cầu vồng
Lời 2: Lộn cầu vồng (Sưu tầm)
Lộn cầu vồng
Nước trong nước chảy
Con bé lên bảy
Thằng bé lên ba
Đôi ta cùng nhau
Ra lộn cầu vồng Lời 3: Lộn cầu vồng (Lời mới)
Lộn cầu vồng
Phía đông rực rỡ
Màu đỏ, lục, lam,
Vàng, cam, chàm, tím
Cái rõ cái mờ
Ai vẽ tài ghê
Lộn sao cho dẻo
Uốn sao cho khéo
Đôi bạn chúng ta
Ra lộn cầu vồng

 3. Kết luận  
Việc sưu tầm, viết lời mới cho các bài đồng dao để tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo là rất cần thiết không chỉ ở các trường mầm non mà còn ở gia đình, mọi lúc mọi nơi là việc làm thiết thực hữu ích bởi các lý do sau:
Các bài đồng dao được sưu tầm và viết lời mới mang nội dung phù hợp với các chủ đề, chủ điểm giáo dục mà vẫn gần gũi với trẻ, vẫn giữ được nhịp điệu truyền thống của đồng dao cổ trẻ vẫn hứng thú với lời mới mà ko nhàm chán.
Các bài đồng dao được sưu tầm, viết lời mới đều có kèm theo cách tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn và thu hút trẻ. Vì vậy trẻ hứng thú và tham gia các hoạt động tích cực hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên), Nguyễn Thị Hòa, Đinh Văn Vang (1996), Tổ chức hướng dẫn trẻ mẫu giáo chơi, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
  2. Trần Hòa Bình, Bùi Lương Việt (5/2009), Trò chơi dân gian trẻ em, NXB Giáo dục Việt Nam.
  3. Tiểu Kiều (2000), Trò chơi dân gian của thiếu nhi, NXB trẻ.
  4. Nguyễn Thị Hồng (2008), 150 trò chơi dân gian Việt Nam, NXB Lao động – Xã hội.
  5. Mai Văn Muôn (1993), Trò chơi xưa và nay, NXB Giáo dục.