Thứ Hai, 06/05/2024
22.6 C
Lạng Sơn

Mô hình hợp tác giữa Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn với doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho sinh viên các ngành Giáo dục nghề nghiệp

Trên thế giới, việc hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) với các trường đại học, trường nghề đã có từ lâu dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc hợp tác giữa trường chuyên nghiệp, trường nghề với DN mới được thực sự diễn ra trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Ở Vệt Nam, quá trình hợp tác này đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Các văn bản tuyên bố chủ trương và chỉ đạo khẳng định: các cơ sở đào tạo phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các DN, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo (CSĐT) và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi DN là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn nhu cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học- công nghệ…
Hoạt động kết nối giáo dục nghề nghiệp với DN được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, thể hiện qua việc tăng cường hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp. Qua đó, phát triển chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, hợp tác giữa CSĐT với các DN ngày càng được tăng cường.
Sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục và DN là sự tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa CSĐT và các DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các DN; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.
Với kinh nghiệm thu được qua quá trình triển khai thực hiện hợp tác quốc tế, trong những năm qua Trường CĐSP Lạng Sơn đã chủ động trao đổi, hợp tác với doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng hiệu quả mang lại lợi ích kép cho nhà trường, doanh nghiệp; đặc biệt là sinh viên. Các chương trình hợp tác thường xuyên được các bên quan tâm trao đổi, rà soát đánh giá, cải tiến nâng cao chất lượng, mở rộng và phát triển mô hình. Một số chương trình hợp tác với doanh nghiệp đào tạo trước tuyển dụng điển hình như sau:
Chương trình hợp tác đào tạo “Lớp chuyên ban”
Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Foxconn) là một trong những Tập đoàn lắp ráp linh kiện, thiết bị điện tử lớn nhất trên thế giới và có Dự án hợp tác với Trường CĐSP Lạng Sơn từ năm 2020 về đào tạo “Lớp chuyên ban” và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2022 Tập đoàn Foxconn cùng với Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo “Lớp chuyên ban” cho 27sinh viên năm thứ ba và được đào tạo trong năm học 2022-2023.
Tham gia chương trình, sinh viên được Tập đoàn Foxconn tài trợ toàn bộ kinh phí đào tạo tin học và học phí đào tạo chính khóa, học bổng khuyến khích theo học kỳ, được bố trí thời gian đào tạo trực tiếp trên dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo vị trí việc làm tuyển dụng được trả lượng như nhân viên thử việc.
Chương trình hợp tác thực tập kết hợp tuyển dụng
Với chương trình hợp tác thực tập, đối tượng tham dự là các sinh viên Cao đẳng ngành tiếng Trung Quốc, Kế toán… đi thực tập tốt nghiệp. Các công ty tuyển chọn sinh viên và đào tạo sinh viên trong 2 tháng thực tập tại công ty. Trước khi tham gia thực tập sinh viên được Nhà trường phối hợp cùng các công ty cho sinh viên đi thực tế trải nghiệm 01 ngày nhằm giúp sinh viên tìm hiểu là làm quen với môi trường thực tập. Hiện tại Nhà trường hợp tác với nhiều công ty để đáp ứng nhu cầu đào tạo cũng như nhu cầu sử dụng lao động tại các công ty, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thuộc các tỉnh lân cận như: Tập đoàn KHKT Hồng Hải, Công ty THHH Luxshare-ICT, Công ty TNHH Newwing Interconect Technology, Công ty TNHH Jinco solar Việt Nam, Công ty TNHH Goertek Vina,… trong tỉnh có các công ty: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu du lịch Lạng Sơn, công ty TNHH xây dựng Thiên phú, Công ty TNHH máy tính Nhất Sơn, Công ty TNHH Bảo Long.
Nhà trường phối hợp với các công ty để cùng theo dõi, hướng dẫn, đánh giá kết quả sinh viên tham gia chương trình. Sinh viên được cấp học bổng và trả lương trong thời gian 02 tháng đào tạo tại công ty, được nhà trường công nhận học phần thực tập tốt nghiệp và được tuyển dụng chính thức vào làm việc tại các công ty sau khi tốt nghiệp. Chương trình đã được Nhà trường phối hợp với các công ty triển khai từ nhiều năm, số lượng theo nhu cầu từng năm của công ty.
Với phương thức hợp tác đã được thống nhất, công tác thực tập của sinh viên được thực hiện bài bản, hiệu quả và có những kết quả đáng khích lệ: Năm học 2022-2023, Nhà trường đã thực hiện cho 181 sinh viên cao đẳng Tiếng Trung Quốc, 23 sinh viên cao đẳng Kế toán thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả có 194 sinh viên (chiếm 95.1% xếp loại tốt), 10 sinh viên (chiếm 4.9% xếp loại khá).
Trên cơ sở các kết quả đạt được, Nhà trường đang từng bước tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chương trình, phát triển mở rộng cho các đối tượng sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, hướng tới mô hình hợp tác nhà trường – doanh nghiệp cùng thiết kế, triển khai các khóa đào tạo chính quy theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Để tiếp tục duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng, một số các giải pháp cần được tăng cường trong thời kỳ mới như sau:
Một là, nghiên cứu nhu cầu thị trường và DN để từ đó xây dựng khung chương trình, giảng dạy, biên soạn, cải tiến giáo trình giảng dạy, hình thức đào tạo, đánh giá sinh viên, nâng cao năng lực tự học của sinh viên sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của DN trong từng giai đoạn. Tăng cường phối hợp với DN giải quyết những vấn đề thực tế của DN ngay từ khi ở trong nhà trường. Cử các giảng viên, cán bộ quản lý đến DN học tập, trao đổi kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình đào tạo. Phối hợp cùng DN tổ chức cho sinh viên tham quan, thực tập, tìm hiểu quy trình sản xuất, những công nghệ hiện có nhằm giúp sinh viên định hướng được ngành nghề mình đang học và xác định mục tiêu học tập của sinh viên.
Hai là, xây dựng mối quan hệ thật chặt giữa CSĐT và đơn vị sử dụng lao động để sinh viên sẽ có môi trường thực tập. Các CSĐT cần phải bảo đảm tính tiên tiến, hiện đại của chương trình đào tạo, phối hợp với DN để nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu DN.
Ba là, huy động sự tham gia của DN vào việc hỗ trợ tài chính (học bổng, đề tài nghiên cứu khoa học…), cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của DN đối với nhà trường như tham gia vào Hội đồng trường, ban cố vấn của hội đồng DN để tiếp nhận khuyến nghị từ DN; các nhà trường cũng cần xem xét về điều chỉnh thời gian đào tạo, giảm thiểu thời gian đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học với DN.
Bốn là, DN thông tin cho các CSĐT về nhu cầu nguồn nhân lực của DN mình. DN cùng tham gia đào tạo bằng cách đóng góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế. Hỗ trợ tài chính cũng như cơ sở vật chất thông qua các hình thức hỗ trợ học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học, xây dựng khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho giảng dạy và học tập. Cử các chuyên gia, chuyên viên, công nhân lành nghề tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực tập. Tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến DN học hỏi kinh nghiệm.
Năm là, sinh viên xác định tầm quan trọng của ngành nghề mà mình theo học. Phải có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng trong quá trình học tập. Không ngừng học tập, rèn luyện, không chỉ học các nội dung trên lớp mà còn cần tham gia các diễn đàn, hội thảo tổ chức giữa nhà trường và DN, tham gia nghiên cứu khoa học… nhằm vận dụng các kiến thức đã học và thực tế DN.
Có thể nói, chương trình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng nói riêng và hợp tác giữa CSĐT và DN là mô hình hợp tác mở cho thấy sự gắn kết và đồng hành giữa Nhà trường và DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Để duy trì và phát triển các chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng và các hoạt động hợp tác khác, cần thiết đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các bên; đồng thời cần tăng cường sự hỗ trợ, giám sát trong quá trình triển khai để tất cả các sinh viên có nhận thức đầy đủ về chương trình, đồng thời có cơ hội phát triển chuyên môn, tay nghề đáp ứng tốt công việc chính thức tại DN.
Một số hình ảnh:

Tổ chức hội thảo phát triển đào tạo gắn kết doanh nghiệp
tại Tập đoàn KHKT Hồng Hải
trong đợt đưa sinh viên đi thực tế doanh nghiệp

Sinh viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng trước khi thực tập tốt nghiệp

Sinh viên được đào tạo trước khi thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp